Khi quá mệt mỏi và căng thẳng, cơ thể của chúng ta theo đó cũng sẽ uể oải, mất đi sự tỉnh táo theo. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần luôn có các mối liên kết mật thiết với nhau.
Chính vì vậy khi gặp những rối loạn về tinh thần, bạn cần có sự quan sát và kịp thời can thiệp để tâm hồn của bản thân có thời gian được chữa lành.
1. Nghe nhạc
Nếu bạn cảm thấy quá hoảng loạn hay bối rối trước một tình huống căng thẳng, hãy thử nghỉ ngơi và nghe nhạc thư giãn. Những bản nhạc nhẹ nhàng có tác động tích cực đến não và cơ thể, hỗ trợ hạ huyết áp và giảm cortisol, một loại hormone liên quan đến căng thẳng.
Nếu nhạc cổ điển không phải sở thích của bạn, hãy thử nghe âm thanh của đại dương hoặc thiên nhiên. Chúng có tác dụng thư giãn đáng kể tương tự như âm nhạc.
2. Tâm sự
Khi cảm thấy căng thẳng, hãy tạm dừng các hoạt động rồi thử gọi cho một người bạn thân thiết và chia sẻ về những vấn đề đang làm phiền bạn. Giữ một mối quan hệ tốt với bạn bè và những người thân yêu rất quan trọng đối với bất kỳ lối sống lành mạnh nào.
Các mối quan hệ thân thiết có vai trò đặc biệt quan trọng khi bạn gặp những khó khăn trong cuộc sống. Một giọng nói trấn an, dù chỉ trong một phút, có thể khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn nhiều.
3. Nói chuyện với chính mình
Đôi khi một cuộc gọi cho người bạn thân cũng không thể giúp bạn bớt căng thẳng. Trong trường hợp này, bình tĩnh nói chuyện với chính mình có thể là biện pháp thay thế tốt nhất.
Tự nói chuyện với bản thân là để hiểu chính mình. Chỉ cần hỏi bản thân tại sao bạn lại căng thẳng, bạn cần phải làm gì tại thời điểm này và quan trọng nhất là hãy tự nhủ rằng mọi thứ sẽ ổn thôi.
4. Chế độ ăn uống hợp lý
Mức độ căng thẳng và chế độ dinh dưỡng hợp lý có mối liên quan mật thiết với nhau. Khi bị căng thẳng ta thường có xu hướng sử dụng các loại đồ ăn vặt có đường, chất béo nhiều hơn.
Đồ ăn có thể làm bạn bình tĩnh phần nào, tuy nhiên, việc này không hề có lợi cho sức khỏe thể chất của bạn. Cố gắng tránh đồ ăn có đường và lên thực đơn trước. Chăm ăn trái cây, rau quả và cá có hàm lượng axit béo omega-3 cao vì chúng đã được chứng minh là làm giảm các triệu chứng căng thẳng. Một chiếc bánh mì sandwich cá ngừ là một lựa chọn hợp lý.
5. Hãy cười
Tiếng cười giải phóng endorphin giúp cải thiện tâm trạng và giảm mức độ hormone gây căng thẳng cortisol và adrenaline. Tiếng cười đánh lừa hệ thần kinh khiến bạn cảm thấy vui vẻ.
Gợi ý của chuyên gia là hãy xem một số tác phẩm vui nhộn mà bạn yêu thích, có thể là sách, phim, kịch…
6. Uống trà
Một lượng lớn caffeine có khả năng làm tăng huyết áp trong thời gian ngắn. Tuy vậy sử dụng quá nhiều sẽ không tốt cho sức khỏe gan, thận và dạ dày của bạn.
Do vậy, thay vì cà phê hoặc nước tăng lực, hãy thử trà xanh. Lượng caffeine trong trà ít hơn một nửa trong cà phê và chứa chất chống oxy hóa lành mạnh, cũng như theanine, một loại axit amin có tác dụng làm dịu hệ thần kinh.
7. Rèn luyện tinh thần
Hầu hết các mẹo giảm căng thẳng được đề xuất đều có tác động ngay lập tức, nhưng cũng có nhiều biện pháp thay đổi trong lối sống có thể hiệu quả hơn về lâu dài. Giữ vững niềm tin, buông bỏ cảm xúc tiêu cực là phương pháp rèn luyện tinh thần giúp giảm bớt những suy nghĩ hơn thua, làm dịu tinh thần.
Từ yoga và thái cực quyền đến thiền định và Pilates, những phương thức này kết hợp cùng các bài tập thể chất và tinh thần có thể ngăn căng thẳng trở nên tồi tệ và gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn. Hãy thử tham gia một vài khóa học hoặc tự tìm hiểu thông qua các kiến thức, video trên mạng.
8. Tập thể dục
Tập thể dục không nhất thiết phải là nâng tạ tại phòng tập gym hay luyện tập cho các cuộc chạy marathon. Đi bộ một đoạn ngắn quanh văn phòng hoặc đơn giản là đứng lên vươn vai trong giờ nghỉ giải lao tại nơi làm việc có thể giúp bạn thả lỏng ngay lập tức trong mọi tình huống căng thẳng.
Vận động khiến máu của bạn lưu thông và giải phóng endorphin tốt hơn từ đó có thể cải thiện tâm trạng của bạn gần như ngay lập tức.
9. Giấc ngủ
Mọi người đều biết căng thẳng có thể khiến bạn mất ngủ. Thật không may, thiếu ngủ cũng là một nguyên nhân phổ biến gây ra căng thẳng. Vòng luẩn quẩn này khiến não bộ và cơ thể hoạt động không hiệu quả và tình trạng sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.
Vì vậy, đảm bảo ngủ đủ 7 đến 8 tiếng theo khuyến nghị của bác sĩ. Tắt TV sớm hơn, giảm ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại và cho bản thân thời gian thư giãn trước khi đi ngủ.
10. Hít thở
Trong nhiều thế kỷ, các nhà sư trong Phật giáo đã ý thức được việc hít thở có chủ ý đặc biệt hiệu quả trong quá trình thiền định. Bạn có thể bắt đầu với một bài tập dễ dàng kéo dài 3 - 5 phút, hít vào sâu và thở ra chậm, từ từ cảm nhận lá phổi đang dần được mở rộng hoàn toàn trong lồng ngực.
Trong khi thở nông gây ra tình trạng căng thẳng, thì thở sâu sẽ cung cấp oxy cho máu, giúp tập trung cơ thể và đầu óc minh mẫn.
(Nguồn: https://www.healthline.com/health)