Zimbabwe và cơn đại hồng thủy lạm phát
Đồng tiền ở đất nước Zimbabwe đang trở nên không còn giá trị khi lạm phát ở nước này lên đến 2,2 triệu %. Cơn đại hồng thủy lạm phát đang đe dọa lật nhào Chính phủ đương nhiệm.

Hôm 1.8, Hệ thống quy đổi tiền do Ngân hàng Trung ương Zimbabwe đưa ra đã chính thức được áp dụng. Theo đó, cứ mỗi tờ 10 tỷ dollar Zimbabwe từ nay trở thành tờ 1 dollar. Việc bỏ bớt 10 số 0 trên tờ 10 tỷ được Ngân hàng giải thích là nhằm “tạo thuận lợi cho hoạt động buôn bán” vì việc tồn tại những đồng tiền với dãy số quá dài khiến cho máy tính, máy đếm tiền và nhiều thiết bị nhận dạng con số khác khó có thể làm việc. Quyết định trên đã được Ngân hàng TW Zimbabwe thông báo chính thức ngày 30.7, chỉ vài ngày sau khi phát hành tờ tiền giấy mệnh giá lớn nhất từ trước tới nay - 100.000.000.000 dollar (100 tỷ), động thái mà ngân hàng này giải thích là để “đối phó với tình trạng khan hiếm tiền mặt và lạm phát không thể kiểm soát nổi”. Từ đầu năm tới nay, Zimbabwe đã phải liên tiếp phát hành đồng tiền mới, với mệnh giá ngày một cao. Tháng 1, tờ 10 triệu dollar được phát hành, sau đó là tờ 50 triệu dollar vào tháng 4. Chỉ 1 tháng sau, tờ tiền mệnh giá 100 triệu và 250 triệu dollar được đưa vào lưu hành. Và những đồng tiền này nhanh chóng bị... mất giá, và bị thay thế bằng các tờ mệnh giá 5 tỷ, 25 tỷ, 50 tỷ và mới đây là 100 tỷ.
Zimbabwe đang lún sâu vào lạm phát phi mã, tăng từ 165.000% hồi tháng 2 lên 2,2 triệu % vào tháng 6. Theo ngân hàng này, chỉ riêng trong vòng 1 năm trở lại đây, giá cả nhiều mặt hàng cơ bản được bán trên thị trường chợ đen của Zimbabwe đã tăng giá tới 70 triệu %. Cụ thể, giá xà phòng giặt trên thị trường chợ đen đã tăng 70 triệu %, giá dầu ăn tăng 60 triệu % và giá đường tăng 36 triệu %. Những con số này đều cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ lạm phát chính thức 2,2 triệu %. Các nhà phân tích cho rằng, con số lạm phát thực có thể lên đến 10 triệu - 15 triệu %. Ngân hàng TW Zimbabwe cho rằng, tình trạng lạm phát trên thị trường chợ đen cao như vậy là do sự thiếu hụt ngoại tệ mạnh để đưa tỷ giá trên thị trường chợ đen xuống mức ít nhất là 90 tỷ dollar Zimbabwe đổi được 1USD. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái chính thức hiện ở mức 20 tỷ dollar Zimbabwe đổi được 1USD.
Nhiều người dân Zimbabwe đi làm không trông chờ vào lương mà chỉ nhằm giữ chỗ, cụ thể, một nhân viên thu ngân ở siêu thị thương mại tại thành phố Harare nhận được số lương tháng không đủ mua vé xe buýt để đi làm. Thủ đô Harare nhanh chóng trở thành một thành phố của nạn thất nghiệp và những kẻ giàu sụ dollar Zimbabwe nhưng sắp chết đói. Người dân cố gắng tiêu hàng chồng tiền dollar Zimbabwe trước khi số tiền đó trở nên không còn giá trị vào ngày hôm sau. Đói kém làm cho tuổi thọ trung bình của người dân Zimbabwe thuộc hàng thấp nhất thế giới, nam giới là 37 và nữ giới là 34. Giờ đây nhiều người dân đã giảm số bữa ăn trong ngày xuống mức một bữa một ngày.
Nhiều nhà phân tích cho rằng cơn đại hồng thủy lạm phát sẽ lật nhào Chính phủ của Tổng thống Robert Mugabe sớm hơn bất kỳ lệnh cấm vận quốc tế nào hay cuộc đấu tranh do phe đối lập của ông Morgan Tsvangirai tiến hành. Những người khách quan hơn cho rằng chính phủ hiện tại đang sống nhờ vào doanh thu còm cõi của một vài ngành xuất khẩu như vàng, bông, thuốc lá nhưng điều đó chỉ có thể kéo dài được một vài năm.
Nhưng điều khiến tổng thống Robert Mugabe lo lắng nhất là cảnh sát và lực lượng quân đội không thể tránh khỏi việc trở thành nhân tố của sự bất ổn. Những sỹ quan cảnh sát, binh lính và nhân viên dân sự không thể phục tùng khi họ được trả bằng những đồng tiền vô giá trị. Nhiều cảnh sát và binh lính đã thể hiện sự tức giận khi tự tiến hành giám sát trật tự các cuộc phân phát hàng hóa của chính phủ. Một số quan chức ngoại giao phương Tây cho rằng nếu được cải tổ đúng hướng, với điều kiện là chính phủ hiện tại phải thay đổi, trong 5 năm tới kinh tế Zimbabwe có thể thay đổi theo hướng tốt hơn.
Cho đến nay Tổng thống Mugabe vẫn cho rằng sự cấm vận của phương Tây và sự lũng đoạn của các thương gia da trắng đã phá hoại nền kinh tế Zimbabwe. Tuy nhiên ông không nhận ra những khiếm khuyết trong chính sách quản lý kinh tế của chính mình. Sự bùng nhùng về chính trị hiện nay do mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền Zanu-DF và phe đối lập MDC sẽ khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Và trong thời gian đó, không ai dám hy vọng sẽ có những điều thần kỳ về kinh tế xảy ra. Nhưng có một quy luật muôn đời: Đói tắc sinh loạn. Đói kém sẽ dẫn đến biểu tình, bạo loạn và đây là những mầm mống bất ổn mà nếu không giải quyết, sẽ nhấn chìm Chính phủ hiện tại.