Ước tính thiệt hại khoảng 195 tỷ đồng
Theo Báo cáo số 42/BC-BCH ngày 10.9.2024 của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, tính đến 13h ngày 10.9 có 29 người tử vong, 5 người mất tích và 13 người bị thương.
Thiệt hại về nhà ở: có 21.678 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 70 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 30 ngôi nhà bị hư hỏng nặng…
Về nông nghiệp: diện tích cây trồng bị thiệt hại là 3.837,63 ha; 1.593 con gia cầm và 14 con gia súc bị chết; 89,82 ha diện tích nuôi cá truyền thống bị lũ tràn qua và vỡ bờ; 6 ao cá huyện Trạm Tấu bị vỡ bờ ước tính 375kg…
Về giao thông, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 200 vị trí sạt lở tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với khối lượng hàng trăm nghìn m3 đất đá, đến nay nhiều điểm đường đang tắc do sạt lở đất, ngập nước... Nhiều tuyến đường ở các địa phương Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, Lục Yên có các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân.
Về công trình công cộng: Hệ thống điện, trường học, nhà làm việc, trung tâm huyện Trạm Tấu, trụ sở UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên và thành phố Yên Bái bị hư hỏng, ngập nước, công trình thủy lợi, kè bị vỡ...
Thiệt hại về công nghiệp: Số cột Cao, Trung áp bị đổ, gẫy: 2 cột; Số cột Cao, Trung áp bị sạt lở, nghiêng: 9 cột; Số lượng dây bị đứt: 1.230 m; Số lượng xà, sứ hỏng: 1 bộ xà đỡ, 1 bộ xà néo; 3 sứ đỡ và 6 chuỗi sứ néo thuỷ tinh. Số cột hạ áp bị sạt lở, nghiêng, rạn nứt: 35 cột; Số cột hạ áp bị đổ, gẫy cột: 29 cột; Số cột hạ bị trôi mất, vùi lấp: 4 cột; Số lượng dây bị đứt: 120 m.
Thiệt hại về thông tin liên lạc: 2 trạm thu phát sóng di động BTS của Mobifone tại xã Đông Cuông, Văn Yên mất sóng do sét đánh nguồn cấp điện trạm phát; 128 trạm BTS bị ảnh hưởng mất liên lạc… Ước tính thiệt hại khoảng 195 tỷ đồng.
Tập trung khắc phục thiên tai
Trước những thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra, lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động mọi nguồn lực tại chỗ tham gia phòng, chống khắc phục hậu quả của cơn bão số 3.
Toàn tỉnh đã huy động trên 10.850 người (Bộ đội 199 người; Dân quân 1.328 người và lực lượng khác 9.323người) tham gia để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Bên cạnh đó, huy động phương tiện của Công ty quản lý đường bộ và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn (18 máy xúc, 2 xúc lật, 1 xe lội nước, 8 xuồng máy, 3 thuyền nhẹ, 16 xe ô tô, 2 máy phát điện, máy bơm nước….) để khắc phục sự cố sạt lở, bảo đảm thông các tuyến đường và hót đất đá bồi lấp, vệ sinh môi trường.
Về công tác tìm kiếm nạn nhân bị chết do sạt lở đất, ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các lực lượng Công an, quân sự phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường bị sạt lở, thiệt hại về người huy động lực lượng, phương tiện xuống hiện trường thực hiện công tác tìm kiếm nạn nhân, đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu; đồng thời hỗ trợ gia đình di dời tạm thời người và tài sản ra khỏi khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn; chủ động hỗ trợ kinh phí cho gia đình có người bị chết 25.000.000 đồng/người; hỗ trợ gia đình có người bị thương 5.000.000 đồng/người.
Đối với 71 nhà bị sập đổ hoàn toàn đã di dời và bố trí chỗ ở tạm thời về nhà người thân. Đối với 2.699 nhà phải di dời người và tài sản đã bố trí chỗ ở tạm thời cho các hộ gia đình tại các nhà văn hóa, trụ sở Ủy ban nhân xã và xen ghép vào các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Đối với các hộ bị ngập 17.815 nhà đã di dời 59.272 người để đảm bảo an toàn bằng hình thức xen ghép vào nhà người thân và các hộ gia đình không bị ảnh hưởng.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội: Tổ chức, bố trí lực lượng y, bác sỹ và chuẩn bị thuốc men để khám và chữa bệnh cho nhân dân nơi sơ tán và tại chỗ. Bố trí nơi ăn, ở tạm thời và cung cấp những vật dụng thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại ổn định cuộc sống. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm quỹ đất để bố trí làm nơi ở mới cho các hộ dân có nhà bị lũ cuốn trôi, sập hoàn toàn; nhà phải di dời khẩn cấp. Riêng Thành phố đã triển khai mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm nhu yếu phẩm thiết yếu, đồng thời tiếp nhận nhu yếu phẩm từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân (Hội chữ thập đỏ, đoàn thanh niên, Nhà hàng Tùng Dương, Hộ kinh doanh và các tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh…) để cấp phát, hỗ trợ cho các xã, phường cứu trợ cho các hộ trong vùng ngập lụt.
Số lượng đã cứu trợ cụ thể như sau: Gạo: 2 tấn; Bánh mỳ, bánh ngọt: 3.500 cái; Giò: 300kg; Xuất cơm, xôi: 5.000 xuất; Mỳ tôm: 3.000 thùng; Nước uống: 3.500 thùng; Lương khô: 1.000 hộp; Sữa: 500 thùng.
Công tác đảm bảo thông tin liên lạc: Sở Thông tin và Thuyền thông chỉ đạo các đơn vị Viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo thông tiên liên lạc không bị gián đoạn để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với bão số 3.