Yemen lún sâu trong khủng hoảng
Căng thẳng tại Yemen bị đẩy lên nấc thang mới sau khi Chính phủ tuyên bố rút khỏi các cuộc hòa đàm do Liên Hợp Quốc (LHQ) làm trung gian với quân nổi dậy Houthi, đồng thời mở chiến dịch quy mô lớn chống nhóm nổi dậy này. Động thái trên có nguy cơ làm đổ vỡ những nỗ lực chấm dứt nội chiến ở Yemen.
Sanaa đảo chiều
Lý giải cho quyết định trên, Chính quyền Sanaa cáo buộc quân nổi dậy Houthi không thừa nhận Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và thực thi một cách vô điều kiện. Văn kiện này đã được thông qua hồi tháng 4 vừa qua, trong đó kêu gọi các tay súng thuộc lực lượng Houthi rút khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng và giao nộp vũ khí chiếm được của quân đội và các trụ sở chính quyền khác.
Cùng với thông báo trên, dưới sự yểm trợ của liên quân do Ảrập Xêút đứng đầu, quân đội Yemen đã mở một chiến dịch quy mô lớn mang tên Trận đánh quyết định tại tỉnh Marib, miền Trung nước này. Tham gia chiến dịch có hàng nghìn binh sĩ Yemen được huấn luyện tại Ảrập Xêút cùng quân đội của liên quân và hàng trăm thành viên bộ lạc.
Trước đó, Đặc phái viên LHQ về vấn đề Yemen cho biết, Chính phủ và lực lượng Houthi đã đồng ý ngồi vào bàn đàm phán hòa bình nhằm xây dựng thỏa thuận khung cho lệnh ngừng bắn cũng như bắt đầu lại tiến trình chuyển tiếp chính trị hòa bình.
Căn nguyên
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi quân nổi dậy Houthi - được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh - chiếm giữ Thủ đô Sanaa tháng 9.2014, sau đó tiến xuống miền Nam hồi tháng 3 vừa qua và kiểm soát phần lớn lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải sống lưu vong ở nước láng giềng Ảrập Xêút. Lực lượng liên minh khu vực chống Houthi do Ảrập Xêút đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích từ tháng 3 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7. Hiện phiến quân đã bị đẩy lui về 5 tỉnh miền Nam.
Bạo loạn không phải điều mới mẻ tại đất nước Yemen tương đối non trẻ, với biên giới mới được định hình vào thập niên 90 của thế kỷ trước sau khi hai miền Bắc - Nam chấm dứt chiến tranh và thống nhất thành một đất nước. Sau nhiều năm nội chiến giữa phe Bảo hoàng và phe Cộng hòa, Bắc Yemen đã trở thành nước Cộng hòa năm 1970. Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh lên nắm quyền từ năm 1978 và đã thống nhất đất nước thành công vào năm 1990. Nam Yemen dù đồng ý sáp nhập vào Bắc Yemen nhưng vẫn làm bùng nổ cuộc nội chiến giữa hai miền, với phần thắng nghiêng về lực lượng ủng hộ ông Saleh. Trong khi đó, bên ngoài những thành phố lớn của Yemen, các bộ tộc sở hữu vũ khí và tự quản theo truyền thống hơn là theo Hiến pháp nhà nước tiếp tục lớn mạnh. Trong số này, Houthi là một trong những lực lượng dân quân mạnh nhất.
Mâu thuẫn âm ỉ có cơ hội bùng phát khi chế độ của Tổng thống Saleh bị lật đổ trong làn sóng Mùa xuân Ảrập quét qua nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi năm 2011. Ba năm sau, 2014, các tay súng Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với ông Saleh đã buộc Tổng thống Hadi từ chức, sau khi chiếm giữ Thủ đô Sanaa. Kể từ đó, Yemen bị chia cắt giữa khu vực: miền Bắc, bao gồm Thủ đô Sanaa, do quân Hồi giáo dòng Shiite Houthi chiếm giữ và khu vực phía Nam do các lực lượng ủng hộ Tổng thống Hồi giáo Sunni Hadi kiểm soát.
Chưa thấy hy vọng
Cuộc xung đột Yemen ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận khi đã làm ít nhất 4.500 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 400 trẻ em. Báo cáo mới nhất của LHQ cho biết, cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen đã bước sang giai đoạn thảm họa, với hơn 21 triệu người (80% dân số) nước này cần được giúp đỡ, hơn 1,3 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
LHQ đã nhiều lần kêu gọi các bên thực hiện lệnh ngừng bắn, song nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình tại Geneva, Thụy Sĩ, hồi tháng 6 vừa qua đã thất bại khi các bên đối lập không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Lập trường của các bên liên quan còn quá nhiều khác biệt. Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, lực lượng Houthi muốn thỏa thuận đã ký kết với Tổng thống Hadi sau khi đánh chiếm Thủ đô Sanaa phải được công nhận, làm nền tảng cho tiến trình hòa đàm. Trong khi đó, chính quyền lưu vong lại muốn hủy bỏ văn bản này và khởi động tiến trình thương lượng về thỏa thuận mới.
Tình hình rối ren càng trở nên phức tạp hơn khi từ năm 2009, Yemen trở thành căn cứ của lực lượng al-Qaeda. Sau khi các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Yemen và Ảrập Xêút hợp nhất thành nhánh al-Qaeda ở vịnh Ảrập, lực lượng này đã trở thành một trong những nguồn “xuất khẩu khủng bố” Hồi giáo lớn nhất và nguy hiểm nhất thế giới. Vì dựa trên tư tưởng của phái Hồi giáo Sunni, nên nhánh al-Qaeda ở vịnh Ảrập xung đột với lực lượng Houthi. Điều này khiến Yemen trở thành vùng đất của chủ nghĩa cực đoan với quá nhiều nhóm phái đối địch như: quân Chính phủ, lực lượng Houthi và nhánh al-Qaeda ở vịnh Ảrập.
Nhân lúc hỗn loạn và lợi dụng khoảng trống quyền lực ở Yemen, các tổ chức khủng bố đã gia tăng sự hiện diện tại quốc gia này. Một nhánh của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bất ngờ nổi lên ở Yemen và thực hiện các vụ đánh bom chống người Hồi giáo dòng Shiite, làm gia tăng nguy cơ xảy ra nhiều cuộc xung đột tôn giáo. Các tay súng từ nhánh al-Qaeda tại Yemen đã liên kết với các tay súng bộ lạc ở các vùng xa xôi hẻo lánh của nước này để tăng cường thực hiện các vụ tiến công khủng bố.
Trong một bầu không khí sặc mùi khói súng và thù hận như vậy, động thái cứng rắn của Chính phủ Yemen khiến cuộc khủng hoảng càng thêm bế tắc.