Ý thức, trách nhiệm - Lá chắn phòng, chống dịch

- Thứ Bảy, 31/07/2021, 07:02 - Chia sẻ
Thời điểm này, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội. Hơn bao giờ hết, để ngăn chặn những vi phạm, làm ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch, bên cạnh sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, điều cần thiết và quyết định hơn cả đó chính là ý thức, trách nhiệm của cộng đồng. Ý thức, trách nhiệm nghiêm túc của mỗi công dân chính là lá chắn vững chắc để chúng ta phòng vệ cho bản thân và gia đình trước sự lây lan của dịch bệnh.

Bài 1: Cá nhân vi phạm, cộng đồng ảnh hưởng

Trong khi cả nước đang căng mình đoàn kết chống dịch, vẫn còn một bộ phận F0, F1 không chủ động khai báo y tế để trốn tránh cách ly, gây lây lan dịch bệnh hoặc nguy cơ cao lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Tại các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, một số công dân vẫn chưa tuân thủ đúng quy định của chính quyền, gây khó cho công tác phòng, chống dịch...

Bất chấp lệnh giãn cách xã hội, nhiều người dân vẫn tập thể dục tại nơi công cộng
Nguồn ITN

Những hình ảnh xấu 

Để đối phó với dịch bệnh Covid-19, Chính phủ, các  địa phương đã ban hành hàng loạt biện pháp. Trong đó, việc tổ chức sàng lọc, cách ly những người đến từ vùng dịch hoặc có nguy cơ nhiễm bệnh được đặt lên hàng đầu. Những khuyến cáo, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, bảo vệ cộng đồng cũng liên tục được phát đi với hy vọng thấm sâu và lan tỏa đến từng khu phố, từng nhà, từng người dân...

Vậy nhưng vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức trách nhiệm, phản ứng bất hợp tác, không chấp hành nghiêm những khuyến cáo 5K của ngành y tế; cố tình vi phạm như không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối, trốn cách ly, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người. Thậm chí có trường hợp đánh cả cán bộ chiến sĩ khi kiểm tra, nhắc nhở việc đeo khẩu trang, và không ít trường hợp liều lĩnh dùng cả con dấu giả của Ban chỉ đạo phòng chống dịch để đưa người trái phép về Việt Nam... Mặt khác, không ít đối tượng còn tung tin giả liên quan đến phòng chống, dịch bệnh, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến chung mà cả dân tộc đang sục sôi chiến đấu.

Đơn cử, đối tượng Lê Văn Mạnh, sinh năm 1985, trú tại quận Lê Chân, TP. Hải Phòng vừa bị Công an thị xã Quảng Yên bắt quả tang khi đang sử dụng con dấu giả của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã Quảng Yên đưa 4 công dân không đủ điều kiện phòng chống dịch đi qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch tại trạm thu phí Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.

Tại Hà Nội trong những ngày này đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, mặc dù đã được tuyên truyền nhắc nhở, nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, thiếu ý thức phòng chống dịch dẫn đến vi phạm các quy định về phòng chống dịch như: vẫn còn tình trạng tụ tập đông người, người dân vẫn vô tư ra ngoài tập thể dục hoặc không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang... Chỉ trong 3 ngày sau giãn cách xã hội, lực lượng chức năng của Công an TP. Hà Nội đã xử phạt hành chính 250 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, 11 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, các đơn vị xử phạt đối với 135 trường hợp có các hành vi vi phạm phòng, chống dịch khác như: không thực hiện biện pháp cách ly; ra khỏi nhà khi không cần thiết; đeo khẩu trang không đúng quy cách. Đó là chưa kể các trường hợp không ý thức rõ hành vi, đã cố tình xuyên tạc, đưa tin sai sự thật, gây lo lắng, hoang mang cho người dân.

Tại nhiều tỉnh thành khác như Lai Châu, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long... qua kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng cũng phát hiện xử lý nhiều trường hợp vi phạm về việc không chấp hành nghiêm cách ly y tế, tụ tập đông người, có trường hợp tài xế liều lĩnh lái xe vượt chốt kiểm soát dịch bệnh trái phép, gây tai nạn liên hoàn...

Hệ quả không thể đo đếm

Từ sự vô trách nhiệm, thiếu ý thức trong công tác phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân đã để lại hệ quả vô cùng lớn, không những gây nguy cơ lây lan dịch bệnh ngoài cộng đồng, mà còn khiến lực lượng chức năng khó khăn trong việc sàng lọc, truy vết.

Mặc dù, hiện chưa có thống kê cụ thể và chi tiết về những thiệt hại do Covid-19 gây ra tại Việt Nam, song chỉ từ số liệu về chi phí cho công tác phòng chống dịch 6 tháng đầu năm 2021 nói riêng, cả năm 2020 đến nay với số tiền lên đến hơn 21.000 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp dừng sản xuất, phá sản, du lịch đóng băng, lao động mất việc làm... Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng dịch bệnh là do ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cá nhân, tổ chức chưa nghiêm. Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, hệ quả của việc một bộ phận cá nhân thiếu ý thức, vi phạm quy định phòng chống dịch đã khiến tốc độ gia tăng các ca bệnh mỗi ngày lên chóng mặt, trong đó có nhiều ca bệnh được ghi nhận ngoài cộng đồng.

Bạn đọc Nguyễn Minh Hòa, trú tại phố Phượng Trì, huyện Đan Phượng, Hà Nội phản ánh: Mặc dù chính quyền đã thực hiện giãn cách, các cửa ngõ của huyện cũng lập các chốt kiểm soát dịch được hình thành, vậy mà đâu đó, do chưa thấy được ý thức, trách nhiệm, một vài quán ăn, quán cà phê nhỏ vẫn "du di" cho hàng xóm, người quen ngồi tại chỗ ăn uống. Đáng nói, có đám hiếu, mặc dù theo chỉ thị mới không được tụ tập quá 20 người, và không tổ chức thăm viếng, song thực tế người dân, trong đó có vợ một trường hợp nghi bị nhiễm Covid-19 trên địa bàn đã bất chấp quy định, vượt rào đến thăm hỏi theo lệ làng. Hệ quả là toàn bộ số người thăm viếng đám hiếu đó đã bị một phen hoảng loạn khi người chồng của cô kia có kết quả dương tính với Covid-19.

Rõ ràng, những hành động thiếu ý thức nêu trên của một số cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm trọng. Với những hành vi này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: “Tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, cả nước đang căng mình chống dịch, vậy mà vẫn còn rất nhiều người vô ý thức không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, xé rào vượt chốt kiểm soát, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ... Thử hỏi với những hành vi vô ý thức như vậy thì đến bao giờ chúng ta mới có thể dập được dịch? “Bao giờ cuộc sống mới trở về bình thường?”.

“Hơn lúc nào hết khi mà toàn xã hội đang đồng lòng, chung sức chống dịch mà thực tế vẫn có những trường hợp thiếu ý thức, cố tình vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid -19 thì không còn cách nào khác là phải dùng biện pháp mạnh. Những trường hợp cố tình vi phạm cần phải nghiêm trị, xử lý mạnh tay để răn đe. Bởi lệnh cấm đã ban, chế tài xử phạt đã có, không lẽ nào lại để một bộ phận người thiếu ý thức nhởn nhơ, coi thường pháp luật, làm ảnh hưởng chung đến thành quả công tác phòng chống dịch” Giám đốc Công ty luật LawKey, Luật sư Lương Huy Hà nêu quan điểm.

H. Thanh - M. Hiền