Y tế Đắk Lắk: Kịp thời điều trị các trường hợp viêm ruột thừa
Theo thống kê hiện nay, trung bình một ngày, Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận điều trị và phẫu thuật khoảng 5 trường hợp bị viêm ruột thừa, có ngày lên đến 10 trường hợp.
Viêm ruột thừa là một bệnh lý cấp tính và là tình trạng cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Viêm ruột thừa nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì ít ảnh hưởng đến sức khoẻ. Ngược lại, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong nếu phát hiện muộn và xử trí không đúng cách.
Bệnh nhân L.V.T, 35 tuổi ở xã Dlie Ya, huyện Krông Năng có triệu chứng đau bụng quanh rốn, sau đó đau sang hố chậu phải. Ban đầu, khi có dấu hiệu đau, gia đình cũng đã đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhà để khám nhưng không phát hiện bị viêm ruột thừa.
Đến khi cơn đau không có dấu hiệu dừng, bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám và làm các xét nghiệm, chụp MRI và được chẩn đoán bị viêm ruột thừa cần phải phẫu thuật. Bệnh nhân L.V.T chia sẻ: “Tôi từng nghe nhiều người nói về bệnh viêm ruột thừa nếu để lâu sẽ nguy hiểm đến tính mạng nên ngay khi có dấu hiệu đau, tôi đã đi khám ngay. Rất may quá trình phẫu thuật thuận lợi, sau ba ngày sức khoẻ tôi đã hồi phục nhanh chóng và không còn đau”.

Theo bác sĩ Trần Thế Vinh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nguyên nhân viêm ruột thừa là do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác gây tắc nghẽn ruột thừa là do sỏi phân, dị vật, khối u của ruột thừa hoặc là manh tràng. Triệu chứng của bệnh viêm ruột thừa rất đa dạng, tuỳ thuộc vào thời gian khởi phát, nhưng thường thì người bệnh hay đau bụng hố chậu phải, cũng có trường hợp bắt đầu đau ở vùng thượng vị, quanh rốn sau đó mới khu trú ở hố chậu phải. Đau âm ỉ liên tục và tăng dần. Ít khi đau thành cơn, nếu có giữa các cơn vẫn đau. Tiêu chảy, táo bón có thể có hoặc không, bụng thường co cứng và đau khi sờ vào.
Bác sĩ Trần Thế Vinh cho biết thêm, nguy cơ bị mắc viêm ruột thừa ở tất cả mọi lứa tuổi là như nhau, từ trẻ em đến người già. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa viêm ruột thừa ở người lớn và ở trẻ em là với người lớn chúng ta ý thức được sự đau cũng như tình trạng sức khoẻ và tự giác đi khám bệnh. Còn với trẻ em, đặc biệt là trẻ em nhỏ, các em chưa biết nói thì chưa nhận thức được vấn đề đau.
Vì thế, đối với trẻ em, khi có biểu hiện bất thường về đường tiêu hoá, như: quấy khóc, kém ăn, bỏ ăn, có sốt nhẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám sớm. Cần lưu ý, viêm ruột thừa phần lớn là do bít tắc lòng ruột thừa, bệnh nhân không nên nhầm lẫn giữa viêm ruột thừa với rối loạn tiêu hóa, vì có một số bệnh nhân khi có những triệu chứng của viêm ruột thừa và kèm theo tiêu chảy, nôn ói, từ đó tự kết luận mình bị rối loạn tiêu hóa rồi tự ý mua thuốc uống, như vậy rất nguy hiểm, sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.