Ý nghĩa đại diện của mô hình thượng viện
Trong chế độ lưỡng viện, Thượng viện có thể là Viện đại diện cho các bang đối với Nhà nước liên bang như CHLB Đức, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ...; hay Viện đại diện cho vùng lãnh thổ, địa phương nơi mình cư trú, sinh sống như ở Pháp, Canada; hoặc là đại diện cho giới thượng lưu của giai cấp phong kiến như ở Vương quốc Anh. Việc tổ chức mô hình Thượng viện ở mỗi quốc gia, cũng có những điểm khác nhau. Đó có thể là mô hình theo kiểu Hội đồng Liên bang (CHLB Đức), theo đó, các thượng nghị sĩ do chính phủ các bang bổ nhiệm và chịu sự chỉ đạo của chính phủ các bang; Hoặc theo mô hình “senate”, tức là các thượng nghị sĩ có thể do nhân dân hoặc cơ quan lập pháp ở các bang bầu ra (Hoa Kỳ, Áo). Riêng đối với mô hình nghị viện ở Anh thì các thượng nghị sỹ chủ yếu xuất thân từ tầng lớp quý tộc và theo kế tục.
Có thể thấy rằng, xuất phát từ cơ cấu, tổ chức khác nhau mà mô hình Thượng viện ở mỗi quốc gia có chức năng, quyền hạn khác nhau. Bên cạnh đó, do xuất phát từ tính đại diện cho các nhóm cử tri khác nhau của mỗi viện mà giữa hai viện thường có những quan điểm khác nhau trong các hoạt động của nghị viện mà đặc biệt đó là hoạt động lập pháp. Vậy, vai trò Thượng viện được thể hiện như thế nào?
Có quan điểm cho rằng việc chia làm hai viện chủ yếu nhằm có sự kiềm chế quyền lực giữa Hạ viện và Thượng viện. Minh chứng cho quan điểm này là trường hợp Thượng viện Hoa Kỳ- cơ quan đại diện của các bang. Mỗi tiểu bang có hai thượng nghị sỹ, không kể bang lớn hay bang nhỏ, dân số nhiều hay ít. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh của các bang nhỏ trong liên bang của Hoa Kỳ. Bởi trong quá trình xây dựng Hiến pháp, đại diện của các bang lớn, với số dân đông muốn số lượng nghị sỹ theo số dân từng bang. Tuy nhiên, đại diện của các bang nhỏ, với số dân ít lại muốn số nghị sỹ của từng bang bằng nhau để tránh sự chênh lệch về số phiếu trong Nghị viện. Để dung hoà giữa hai phe này, Quốc hội Mỹ được cơ cấu thành hai viện. Theo mô hình này, xuất phát từ nguyên tắc đối trọng và cân bằng quyền lực, hai viện có chức năng và quyền hạn khác nhau. Và không thể nói rằng mô hình nào có vai trò quan trọng và tính chất quyền lực cao hơn.
Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác, giữa hai viện lại có sự khác nhau về chức năng và quyền hạn. Ví dụ như mô hình Thượng viện của Vương quốc Anh, ở mô hình này, Thượng viện có quyền lực hạn chế hơn so với Hạ viện, Thượng viện chỉ có vai trò xem xét lại các quyết định của viện thứ dân, hoặc chỉ giữ vai trò tham gia và thực hiện việc kiểm tra, giám sát trong hoạt động lập pháp còn Hạ viện giữ vai trò chính. Các cơ quan này cũng chỉ có vai trò tượng trưng mà không có thực quyền như các viện thực sự là đại diện của nhân dân. Trong quy trình lập pháp, các dự luật chủ yếu xuất phát từ Hạ viện và được Thượng viện xem xét lại.
Có thể nói rằng, mặc dù cơ cấu, vai trò, tính chất đại diện của mô hình thượng viện ở mỗi quốc gia có sự khác nhau, nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng việc thành lập hai viện đã làm phong phú hơn chế độ nghị viện trên thế giới. Và, việc chọn lựa mô hình nào phù hợp nhất với hoàn cảnh của từng nước cũng đang là một vấn đề được nhiều quốc gia đề cập đến.
Trần Thị Trinh