Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Nguyễn Thanh Hải

Xem xét chỉ định thầu dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh

- Thứ Sáu, 10/06/2022, 09:43 - Chia sẻ

Góp ý cho chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh sáng 10.6, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Nguyễn Thanh Hải đề xuất nên xem xét chỉ định thầu đối với một số gói thầu.

Xem xét chỉ định thầu dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh -0
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An Nguyễn Thanh Hải phát biểu

Đại biểu khẳng định, chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh không chỉ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, mà còn giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.

Cụ thể, dự án sẽ tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia. Dự án cũng góp phần giảm thiểu quá tải hạ tầng giao thông các khu vực cửa ngõ và nội đô TP.  Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy hiệu quả lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, việc phân chia thành các dự án thành phần để triển khai thực hiện là hợp lý, đặc biệt là tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với phần đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 và đường song hành thành các dự án độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương được chủ động hơn và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Đây là dự án quan trọng quốc gia, đã được nêu trong Kết luận số 11-KL/TW ngày 13.7.2021 của Hội nghị Trung ương 3, Khóa XIII. Dự án sau khi hoàn thành không chỉ cho 4 địa phương của dự án đi qua phát triển mà còn giúp cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo tiền đề để các địa phương phát triển và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.

Để triển khai thực hiện tốt dự án, đại biểu đề nghị, trước hết, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, đầy đủ các tác động kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng - an ninh, mối tương quan trong kết nối giao thông vùng và liên vùng, tạo động lực cho quá trình phát triển bứt phá của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Thứ hai, quan tâm bố trí vốn và có cơ chế cho các địa phương phát hành trái phiếu để bảo đảm việc bố trí đủ vốn, kịp thời và có sự chỉ đạo quyết liệt, nhất quán trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đúng theo tiến độ. Đây là nội dung khó, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị giúp cho các dự án thành phần hoàn thành đúng kế hoạch.

Thứ ba, cần xem xét cho cơ chế chỉ định thầu đối với một số gói thầu như: tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư… Trong đó, chỉ thầu phải chịu sự giám sát chặt chẽ và tuân thủ đúng các quy định pháp luật.

Thứ tư, cần tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong việc quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất dọc tuyến đường. Đặc biệt, bổ sung điều chỉnh quy hoạch kịp thời và cho thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp. Từ đó giúp cho các địa phương chủ động hơn trong triển khai dự án và thu hút đầu tư.

Tú Minh
#