Về điều hành kinh tế vĩ mô, mặc dù đã qua 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhưng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp chỉ giảm 1%, lãi vay vẫn còn khá cao; vốn thừa nhưng doanh nghiệp tiếp cận vốn vay còn khó. Kết quả tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm chỉ có 6,92%, trong khi chỉ tiêu đề ra là 14-15%, nguồn vốn cho vay thì không thiếu nhưng vấn đề là cần tìm giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Cần có sự hài hòa, chia sẻ giữa tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua các khó khăn, thách thức hiện nay. Đề nghị Chính phủ cân nhắc các giải pháp để kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn phải kiên định trong điều hành chính sách tín dụng, để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Về các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có vấn đề giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, có ý kiến cho rằng do trách nhiệm của chính quyền địa phương, tuy nhiên, từ thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công ở địa phương cho thấy, nhận định này chỉ là một phần.
Thực tế có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ. Thứ nhất, liên quan đến chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, vừa qua Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Nội dung của Nghị quyết có nhiều điểm mới bảo vệ cho quyền lợi của người dân như: Việc bố trí chổ ở tái định cư cho người bị thu hồi đất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; chỉ giao đất khi đã hoàn thành bố trí tái định cư… Đây là các quan điểm chỉ đạo hết sức đúng đắn, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, và người dân hiện nay qua công tác thông tin tuyên truyền đều đã nắm được chủ trương này của Đảng. Chính quyền địa phương chấp hành nghiêm và thực hiện chặt chẽ, đúng chủ trương của Đảng về bồi thường, tái định cư nên phải mất nhiều thời gian chuẩn bị, đền bù cho thỏa đáng, phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án; thủ tục đầu tư phải đầy đủ các bước, thẩm định, đấu thầu…
Bên cạnh đó, trong vốn đầu tư công có nguồn vốn nước ngoài, việc giải ngân nguồn vốn này phải tuân thủ theo các hiệp định vay vốn, khi giải ngân thì các cơ quan phải thực hiện cùng lúc quy trình, thủ tục của nhà tài trợ theo hiệp định cho vay và quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư của Việt Nam. Trong quá trình thực hiện, nếu có điều chỉnh về nguồn vốn thì địa phương phải trình lại các bộ, ngành Trung ương, xin chủ trương Chính phủ. Nguồn vốn này giải ngân theo thời gian quy định trong hiệp định, nhưng từ khi có Luật Đầu tư công, chúng ta gộp vào Kế hoạch và phân bổ hàng năm, chứ không dựa theo Hiệp định hoặc tiến độ do hai bên vay và cho vay thỏa thuận.
Do đó, đề nghị Chính phủ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn nên xem xét tách nguồn vốn nước ngoài ra khỏi Kế hoạch vốn đầu tư công chung, theo dõi giải ngân riêng dựa trên Hiệp định vay đã ký để tháo gỡ tồn tại hiện nay.
Về tăng trưởng kinh tế, với nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, kết quả đạt được khá tốt, tuy nhiên, khu vực II đạt thấp, liên quan đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt tập trung hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, trước mắt là tập trung tháo gỡ các khó khăn do quy định pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc; hai là, nghiên cứu lại thời gian áp dụng của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cho phù hợp với năng lực hấp thu của doanh nghiệp và quá trình sản xuất, kinh doanh.
Vừa qua, các chính sách hỗ trợ có thời gian áp dụng ngắn, doanh nghiệp năng lực còn hạn chế chưa hấp thu được và độ trễ của chính sách ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến nguồn thu ngân sách của địa phương từ hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sụt giảm rõ rệt so với năm 2022. Đề nghị đẩy nhanh hoàn thuế hợp pháp cho doanh nghiệp, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất.
Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn đến chỉ tiêu tạo việc làm cho người lao động, vì sinh kế và việc làm là quyền lợi thực chất mà người dân được thụ hưởng. Nhiều nước đã tiến hành công bố số lượng việc làm hàng tuần, hàng tháng. Trong giao nhiệm vụ thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, cần nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp xem chỉ tiêu tạo việc làm cho người dân là “sinh mệnh chính trị” của bản thân mình. Cần thống kê trong năm, trong nhiệm kỳ của một lãnh đạo, đã tạo được bao nhiêu việc làm cho người dân - việc làm thực chất mà người dân được hưởng lợi.
Về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đề nghị tiếp tục duy trì gói hỗ trợ về tín dụng và gói kích cầu; cho kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024 để thực hiện cho xong các công trình, dự án, vì tỉ lệ giải ngân còn rất thấp, nhiều công trình có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, việc thực hiện các thủ tục đầu tư cũng mất thời gian.
Trong bối cảnh cùng lúc cả nước triển khai nhiều chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, đường cao tốc, dự án liên vùng, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, dự án thuộc Chương trình đầu tư công trung hạn… cần có sự chỉ đạo, điều phối hài hòa các nguồn vốn, dự án nào thiếu vốn thực sự, dự án nào mang lợi ích chung cho địa phương, khu vực… thì tập trung bố trí vốn để hoàn thành dứt điểm, tránh quá nhiều dự án nhưng bố không đủ vốn, kéo dài sang giai đoạn trung hạn tới …