Thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ

- Thứ Năm, 03/11/2022, 17:14 - Chia sẻ

Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều thành viên thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng: Trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ…, góp phần giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

ĐBQH ĐỖ VĂN CHIẾN:
Phải có quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư mới

Theo ĐBQH Đỗ Văn Chiến, để chuẩn bị dự thảo luật này đưa ra Quốc hội lần thứ nhất, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị phản biện rất quy mô (tài liệu gửi các vị ĐBQH có một báo cáo 32 trang khá đầy đủ về những nội dung MTTQ Việt Nam quan tâm).

Thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ  -0
ĐBQH Đỗ Văn Chiến phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Đỗ Văn Chiến phân tích: Nghị quyết số 18-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" của Ban Chấp hành Trung ương ghi rõ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn có nội dung: “Dự án đô thị do Nhà nước thu hồi đất”.

Từ thực tế đó, đại biểu Đỗ Văn Chiến đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, cân nhắc thật kỹ lưỡng điểm này đã phù hợp với Nghị quyết số 18 chưa? Nếu thấy rằng, việc thu hồi đất của dự án đô thị do Nhà nước tiến hành là cần thiết thì phải báo cáo lại với Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Cùng với đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi Nghị quyết số 18 đã thống nhất chủ trương là trong trường hợp bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Thế nhưng, trong thể chế của dự thảo Luật vẫn chưa lượng hóa được; điều này dẫn đến việc nhân dân sẽ không thực hiện được việc giám sát…. “Chúng tôi cũng phản biện và đề nghị là phải có một quy định về mức sống tối thiểu ở nơi tái định cư mới. Ví dụ, anh phải có một cái nhà ở đạt được bình quân mỗi người bao nhiều m2, phải có thu nhập ổn định bằng mức như thế nào người ta mới thực hiện được”, đại biểu Đỗ Văn Chiến nêu quan điểm.

ĐBQH THÁI THỊ AN CHUNG:
Có những nội dung “rất phức tạp”

Theo ĐBQH Thái Thị An Chung, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được Nhân dân rất kỳ vọng. Qua các buổi TXCT, chúng tôi thấy người dân phản ánh nhiều bất cập xung quanh vấn đề thực hiện Luật Đất đai. “Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An trước khi tham dự kỳ họp cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia đóng góp vào Dự thảo luật này. Tuy nhiên, do thời gian nghiên cứu ngắn nên chưa có được nhiều ý kiến”, đại biểu cho biết.

Thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ  -0
ĐBQH Thái Thị An Chung phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Theo đánh giá của đại biểu Thái Thị An Chung, mặc dù dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất dày dặn nhưng cũng có những nội dung rất phức tạp, có đến hơn 50 điều là giao cho Chính phủ quy định. “Thực tế, thời gian qua khi thực hiện Luật Đất đai 2013 thì khó khăn, vướng mắc phần lớn vẫn là xuất phát từ các nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ (trong đó có Bộ Tài nguyên và Môi trường)... Do đó, đề nghị nghiên cứu đưa các quy định hiện đang nằm trong các nghị định, thông tư vào Luật Đất đai sửa đổi lần này, để khi áp dụng vào thực tế dễ dàng hơn, đảm bảo tính thống nhất”, đại biểu đề nghị.

“Nên chăng xây dựng một bộ luật về đất đai, đưa các quy định hiện đang nằm trong các Nghị định, Thông tư vào luật này thành một bộ luật để áp dụng dễ dàng, thống nhất…”, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ.

Liên quan đến vấn đề thu hồi đất, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ đồng tình với ý kiến, quan điểm của đại biểu Đỗ Văn Chiến ở trên. “Hiện nay, khi HĐND tỉnh quyết định chủ trương về thu hồi đất theo điều 62 của Luật Đất đai thì còn vướng nhiều (xác định thế nào là dự án đô thị mới? thế nào là dự án chỉnh trang đô thị?). Bởi, hiện nay, chưa có bất kỳ một giải thích thế nào là dự án đô thị? thế nào là dự án nông thôn?”, đại biểu băn khoăn.

Thực tế đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để phù hợp với Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đó là: “Tiếp tục thực hiện cơ chế thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại…”.

ĐBQH HOÀNG MINH HIẾU:
Cần giảm các hình thức đưa đất vào thị trường

Theo ĐBQH Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật: Nghị quyết số 18 của Trung ương đã chỉ rõ cần phải đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất; trong dự thảo luật lần này cũng đã có nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu này, như đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… “Vấn đề này trong Luật Đất đai năm 2013 cũng đã quy định cụ thể, tuy nhiên cho đến hiện tại vẫn chưa hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là một trong những hạn chế để đất đai trở thành nguồn lực phát triển”, đại biểu chỉ rõ.

Thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ  -0
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Thực tế đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị, trong dự thảo Luật lần này cần có giải pháp cụ thể, như: Nghiên cứu thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp theo vùng; đồng thời nên dồn nguồn lực để hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.

Để đưa đất vào thị trường hiệu quả hơn, đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng cho rằng, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần giảm các hình thức đưa đất vào thị trường (hiện nay có 3 hình thức là đấu giá để giao đất cho thuê đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; giao đất không thu tiền sử dụng đất), nên chủ yếu thông qua đấu giá…

Tại điều 11 của dự thảo luật, đang phân thành 3 nhóm (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng). Riêng với nhóm đất nông nghiệp (7 điểm), đất phi nông nghiệp (10 điểm)… Trong mỗi điểm lại phân nhỏ các mục đích sử dụng đất theo hình thức rất bé… “Ban soạn thảo nên nghiên cứu để không chia quá nhỏ mục đích sử dụng đất, có thể chỉ tập trung quản lý chặt chẽ đất trồng lúa và đất trồng rừng sang mục đích khác, còn lại nên để tạo điều kiện cho người dân khai thác đất đai hiệu quả hơn”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề xuất.

ĐBQH TRẦN NHẬT MINH:
Giữ nguyên chế độ sử dụng đất dành cho khu kinh tế như Luật Đất đai 2013

Tham gia ý kiến vào dự thảo luật, cũng như các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, ĐBQH Trần Nhật Minh bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013.

Thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống người dân tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ  -0
ĐBQH Trần Nhật Minh phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Liên quan đến các nội dung thảo luận, đại biểu Trần Nhật Minh cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai 2013 (tại Điều 151) thì đất sử dụng cho khu kinh tế thuộc nhóm đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai lần này lại không có quy định về đất sử dụng cho khu kinh tế.

Theo đại biểu Trần Nhật Minh, hiện nay trên cả nước có khoảng 18 khu kinh tế hoạt động hết sức hiệu quả như báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đánh giá. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35 ngày 28.5.2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó nêu rõ các chính sách về quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch của khu kinh tế.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ việc bỏ quy định về chính sách đất đai sử dụng cho khu kinh tế được quy định tại điều 151 Luật Đất đai 2013… Đồng thời, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu và tiếp tục giữ nguyên chế độ sử dụng đất dành cho khu kinh tế như điều 151 Luật Đất đai 2013 trong sửa đổi luật lần này.

Diệp Anh