Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, thanh - kiểm tra còn bộc lộ những bất cập
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc khẳng định: Thực tiễn quá trình kiểm tra, giám sát cho thấy còn nhiều bất cập trong quy định về phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình cơ sở, đặc biệt nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, thanh - kiểm tra phòng cháy, chữa cháy còn nhiều bất cập, dẫn tới nhiều vụ việc cháy nổ thương tâm thời gian qua.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, các nội dung của dự án Luật đã bám sát các chủ trương của Đảng về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bảo đảm tính thống nhất và tương thích. Tuy nhiên, quy định trong dự thảo Luật có liên quan đến nhiều quy định khác trong hệ thống pháp luật nên cần rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ.
Về trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 6, đại biểu đề nghị, bổ sung “UBND các cấp, cơ quan công an trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn kiểm tra hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Ngoài ra, tại Điều 7 về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần bổ sung “UBND các cấp, cơ quan công an, trực tiếp là lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải là những người tiên phong trong tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.
Về quy định tại Điều 20, phòng cháy trong sử dụng, cung ứng điện bảo đảm chất lượng đối với thiết bị điện, đại biểu cho rằng, gia tăng các phương tiện sử dụng pin đang là xu thế hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua, ghi nhận nhiều vụ việc cháy nổ liên quan đến các phương tiện này. Do đó, dự thảo Luật cần có quy định chặt chẽ cụ thể về việc sử dụng, cũng như trách nhiệm của các cơ quan trong việc phối hợp thực hiện phòng cháy, chữa cháy từ khâu sản xuất đến tiêu dùng...
Quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở
Thảo luận tại tổ, một số đại biểu cũng phản ánh thực tế trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy của các đơn vị cấp huyện, xã còn hạn chế. Do vậy, cần quan tâm hơn nữa cho các địa phương để bảo đảm tiêu chí kịp thời về phòng cháy, chữa cháy.
Về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy tại Điều 9, dự thảo Luật đã đưa ra khá nhiều nội dung về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, cần cụ thể hơn nữa vì các quy định hiện còn chung chung. Đặc biệt, tại Khoản 1, Điều 9 có quy định tiêu chuẩn được áp dụng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu quy định như vậy thì sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khó thực hiện trong thực tiễn.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, ban soạn thảo nghiên cứu và quy định cụ thể hơn để phù hợp với từng loại hình cơ sở; nhất là những quy định có tính đặc thù nhằm phù hợp với yêu cầu của công tác phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, làm rõ nội hàm và mở rộng tiêu chuẩn, quy chuẩn với công tác cứu nạn, cứu hộ để dễ áp dụng trong thực tiễn.
Về thành lập, quản lý lực lượng dân phòng, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành theo Điều 41, ĐBQH Đặng Bích Ngọc cho rằng, Ban soạn thảo nên nghiên cứu xem xét lại quy định này. Vì đối với các tỉnh miền núi hiện nay, việc thành lập Tổ Bảo vệ an ninh, trật tự tại các thôn, bản là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Khoản 3, Điều 50 của Dự thảo cũng quy định Đội trưởng, Đội phó Đội dân phòng, Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, chuyên ngành được hưởng chế độ hỗ trợ thường xuyên hàng tháng. Nếu quy định thành viên Đội dân phòng là thành viên của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và cá nhân tình nguyện tham gia thì số lượng thành viên sẽ tăng lên kéo theo ngân sách chi cho tổ cũng tăng lên.
“Điều này sẽ rất khó khăn đối các tỉnh miền núi, nhất là những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, ngân sách hạn chế. Do vậy, đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu có phương án giao cho Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo quy định của Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thực hiện Luật”, ĐBQH Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.
Cụ thể về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở
Đánh giá cao công tác tổ chức kiểm tra, giám sát về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ thời gian qua song ĐBQH Đỗ Thị Xuân Linh (Bình Thuận) cũng phản ánh, các vụ việc cháy nổ thời gian qua còn diễn ra phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, việc ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là hết sức cần thiết.
Đi sâu vào một số quy định cụ thể, đại biểu đề nghị nên sửa đổi quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 13 từ “bố trí địa điểm cho đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại những nơi cần thiết” thành “bố trí địa điểm cho đơn vị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại những nơi phù hợp theo quy định”. Bởi, việc bố trí địa điểm cho đơn vị phòng cháy, chữa cháy phải bảo đảm theo quy chuẩn xây dựng và quy định liên quan. Tương tự là sửa đổi quy định tại Điểm g, Khoản 2 và Điểm d, Khoản 3, Điều 13 từ “phương tiện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy” thành “hệ thống phòng cháy và chữa cháy” để bảo đảm bao quát, toàn diện.
Cũng theo đại biểu, việc giao thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy cho cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm tại Điều 14 là phù hợp. Tuy nhiên, cần xem xét kĩ nội dung thẩm định, sẽ dẫn đến bất cập. Ngoài ra, tại Điều 50 cần bổ sung chế độ chính sách đối với người dân được huy động tham gia trực tiếp hội thi về phòng cháy, chữa cháy vì người dân là lao động tự do, khi huy động phải dừng công việc của mình sẽ mất thu nhập nên cần có chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ.
Cũng liên quan đến yêu cầu cần cụ thể hơn trong nội dung các quy định, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng, điều này là cần thiết đối với quy định về điều kiện bảo đảm phòng cháy, chữa cháy cơ sở nhà ở; đặc biệt, là nhà ở kết hợp với dạng sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, phải đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới; nghiên cứu quy định cụ thể đối với công trình thay đổi công năng sử dụng hoặc cải tạo, phương tiện giao thông cơ giới hoán cải ở mức nào phải có giải pháp, thiết kế phòng cháy, chữa cháy.