Bảo đảm chặt chẽ, tránh gây hiểu nhầm trong áp dụng pháp luật
Thảo luận tại tổ sáng 8.6, các đại biểu Quốc hội thuộc Tổ 5 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Lào Cai, Kiên Giang) tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới.
Việc sửa đổi Luật cũng sẽ góp phần quan trọng nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.
Tại khoản 1, Điều 2 dự thảo Luật quy định, mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác bằng cách sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác.
Việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác được coi là mua bán người ngay cả khi việc này được thực hiện mà không sử dụng các thủ đoạn nêu trên.
Chỉ rõ, việc giải thích khái niệm “mua bán người” là một bước tiến của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) so với Luật hiện hành, song các ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang), Sùng A Lềnh (Lào Cai)… lưu ý, cần tiếp tục rà soát thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để hoàn thiện quy định giải thích khái niệm này, bảo đảm chặt chẽ, tránh gây hiểu nhầm trong quá trình áp dụng, cũng như phù hợp với các bộ luật, luật liên quan.
Dẫn quy định tại khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật về “việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 18 tuổi nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động…”, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, quy định này chưa phù hợp với Điều 151 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Cụ thể, Bộ luật Hình sự đã quy định hành vi chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền… là hành vi mua bán người. Để tương thích với Bộ luật hình sự, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, hạ đội tuổi đối với người dưới 16 tuổi được coi là mua bán người.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Danh Tú lưu ý, cần cân nhắc quy định tại khoản 1, Điều 2 theo hướng hành vi “mua bán người là việc tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp, chuyển giao hoặc tiếp nhận người nhằm nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất”.
Nếu quy định như dự thảo Luật thì sẽ xử lý như thế nào với hoạt động nhận vận chuyển học sinh đi học đang được tổ chức, cá nhân triển khai ở nhiều địa phương hiện nay? Vì hoạt động này cũng có các yếu tố “vận chuyển”, “tiếp nhận”, “nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất”.
Do vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có quy định chặt chẽ hơn về việc giải thích khái niệm “mua bán người”, bảo đảm thuận lợi trong thực hiện, tránh gây hiểu nhầm, cũng như thống nhất với các bộ luật, luật liên quan.
Tăng cường tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Tại khoản 5, Điều 7, dự thảo Luật quy định: “Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cần được tăng cường đối với phụ nữ, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên và những người cư trú tại khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những địa bàn xảy ra nhiều vụ việc mua bán người”.
Các ĐBQH Vương Quốc Thắng (Quảng Nam), Sùng A Lềnh (Lào Cai)… cho rằng, cần bổ sung “người dân tộc thiểu số” vào quy định của khoản này, để bảo đảm tính hiệu quả của hoạt động tăng cường thông tin, tuyên truyền và giáo dục về phòng, chống mua bán người.
Đại biểu Vương Quốc Thắng cho rằng, theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người thì một trong những nguyên nhân cơ bản của tội phạm mua bán người là do “tình trạng thiếu việc làm, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số do tác động của phong tục, tập quán dân tộc (thăm thân, bắt vợ…) nhẹ dạ, cả tin, dễ bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt”.
“Phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn thông tin về pháp luật cũng như về các thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người. Trên thực tế, số lượng đối tượng mua bán người và nạn nhân mua bán người là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khá cao. Số liệu của một báo cáo nghiên cứu của ngành lao động, thương binh và xã hội cho thấy, trong năm 2021 đã có hơn 60% đối tượng mua bán người và nạn nhân ở Việt Nam là người dân tộc thiểu số”, đại biểu Vương Quốc Thắng nói.