Nghị quyết 30 - Nghị quyết có tính lịch sử

- Thứ Bảy, 07/01/2023, 17:06 - Chia sẻ

Nghị quyết 30/2021/QH15 ra đời là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ của Quốc hội, Nghị quyết có tính đột phá, có ý nghĩa lịch sử, hiệu quả thực thi cao... Đó là nhận định của Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách TRẦN VĂN LÂM về Nghị quyết 30 sau hơn 1 năm thực thi.

Tháo gỡ nhiều “nút thắt” về cơ chế, chính sách

- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát năm 2021, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã ban hành Nghị quyết 30/2021/QH15. Ông đánh giá gì về Nghị quyết trong việc tháo gỡ những“nút thắt” về cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân?

- Theo tôi, Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết 30) của Quốc hội Khóa XV là một chủ trương đúng đắn và kịp thời của Quốc hội trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Nghị quyết 30 thể hiện sự quyết tâm của Quốc hội trong trong phòng, chống dịch Covid-19 -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm

Nghị quyết 30 ra đời là sáng kiến lập pháp chưa từng có tiền lệ của Quốc hội. Nghị quyết có tính đột phá, có ý nghĩa lịch sử, vì thời gian ra đời nhanh chóng nhưng lại có đóng góp lớn, kịp thời và hiệu quả. Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh đặc biệt nhiều khó khăn. Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV cũng là lúc dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Trước bối cảnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường với 5 Bộ trưởng và nghe báo cáo các vấn đề liên quan tới phòng, chống dịch Covid-19. Ngay sau phiên họp, Quốc hội có sáng kiến lập pháp “ứng vạn biến”, đó là vừa trình Quốc hội cho bổ sung chương trình, vừa xin chủ trương của Bộ Chính trị, vừa thảo luận, vừa biểu quyết thông qua với sự đồng thuận rất cao.

Ngoài ra, trong bối cảnh hệ thống quy phạm pháp luật của chúng ta đang từng bước hoàn thiện nên vẫn còn có những ràng buộc, bất cập. Mặc dù, trước đó chúng ta đã có những nỗ lực trong việc cải cách các quy trình, thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy để giảm thiểu bất cập, nhưng vẫn cồng kềnh, phức tạp và còn tồn tại một số “nút thắt”. Nếu như trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp mà chúng ta vẫn phải tuân thủ tất cả các quy trình, thủ tục, quy định của hệ thống luật pháp thì sẽ không đáp ứng được những yêu cầu cấp thiết trong việc ban hành các quyết định, hay thực thi các nhiệm vụ về phòng, chống dịch đòi hỏi phải kịp thời, phải nhanh chóng.

Có thể thấy rằng, khi Nghị quyết 30 ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội, cho Chính phủ các thẩm quyền quyết vượt qua như một số những quy định của pháp luật hiện hành đã thể hiện tính quyết liệt của Quốc hội. Đây cũng là một chủ trương đúng đắn, là động thái rất mạnh mẽ thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm lãnh đạo của Quốc hội và của cả các đơn vị trong hệ thống hành chính nhà nước. Với những quyết tâm ấy, tinh thần ấy, Nghị quyết 30 đã ra đời và mang lại hiệu quả cao trong công tác phòng, chống dịch, tháo gỡ nhiều “nút thắt” về cơ chế, chính sách, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực thi hiệu quả

- Sau 1,5 năm triển khai thực hiện, ông đánh giá thế nào về công tác thực thi Nghị quyết này?

- Từ thực tiễn có thể thấy, Nghị quyết 30 mặc dù được nghiên cứu ban hành một cách gấp rút nhưng đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn một cách rất hiệu quả và nó thể hiện tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong đó có vai trò tích cực, đồng hành của Quốc hội để tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, trong những tình huống khẩn cấp như đợt dịch Covid-19 vừa qua.

Hiệu quả của Nghị quyết 30 đã ngay lập tức thể hiện và nhìn rõ trong thực tế. Nghị quyết giúp cho công tác phòng, chống dịch của chúng ta linh hoạt, hiệu quả hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ để Việt Nam nhanh chóng khống chế được dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế ngoạn mục.

Để thúc đẩy việc phục hồi kinh tế - xã hội, sau Nghị Quyết 30, Quốc hội tiếp tục ban hành những chính sách về tài khoá, tiền tệ khác nhằm phục hồi kinh tế. Trong đó, có Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết 30 được coi là bước khởi đầu có ý nghĩa quyết định cả về thời điểm, ý tưởng cho đến khi ban hành và đi vào thực thi.

- Ông có thể đưa ra những nhận định cụ thể hơn về tính hiệu quả của Nghị quyết 30?

Cụ thể, tại đợt dịch thứ 4, khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh phía Nam, trong thời gian ngắn chúng ta đã huy động, điều động một lực lượng lớn nhân lực của y tế, quân đội, công an của Trung ương và nhiều địa phương hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác đang có dịch. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, nhiều tỉnh, thành đã kịp thời thu xếp nhân lực, vật lực chi viện cho các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch.

Nghị quyết 30 ra đời như động lực giúp chúng ta quyết tâm hơn trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19. Cùng với sự hưởng ứng cao của người dân, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, từ Trung ương đến địa phương chúng ta đã từng bước khống chế được dịch Covid-19. Đặc biệt, chúng ta đã cắt đứt các chuỗi lây lan, không để dịch bệnh lan rộng sớm ổn định tình xã hội, chăm lo tốt cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân ở các tâm dịch. Qua đó tạo ra bước ngoặt trong công cuộc chống dịch, tiến tới phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay.

Như đã nói ở trên, Nghị quyết 30 của Quốc hội đã trao cho Chính phủ quyền lực lớn hơn trong việc điều phối, sử dụng, tận dụng nguồn lực về con người, của cải cho công tác phòng, chống dịch. Trên tinh thần của Nghị Quyết 30, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương được phân cấp, giao quyền đã chủ động, quyết tâm trong những việc quyết định, đưa phương án giải quyết các tình huống phát sinh trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những chủ trương, giải pháp ấy đã góp phần giúp công tác phòng, chống dịch bệnh của chúng ta đạt được kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.

Tuy nhiên, việc trao quyền bao giờ cũng phải đi kèm với giám sát và đặc biệt là tổng kết, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Chúng ta không thể phủ nhận những kết quả rất đáng tự hào trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch. Nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Chính phủ đã thận trọng, chủ động ban hành và áp dụng một số biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, chưa từng có tiền lệ. Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa nghiêm, chưa đồng bộ, thống nhất.

Việc huy động nguồn lực và thực hiện các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ được ban hành kịp thời để hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp và được nhân dân đánh giá cao. Mặc dù vậy, trong điều kiện khó khăn, phức tạp, đôi khi việc thực hiện triển khai chính sách hỗ trợ còn chậm; công tác giúp người dân tiếp cận các gói an sinh xã hội còn hạn chế…

Thực tế, trong công tác thực hiện công tác phòng, chống dịch đã nảy sinh ra những tiêu cực ở một số lĩnh vực như, sai phạm trong mua sắm que test Covid-19; mua sắm, đầu tư cơ sở vật chất, phòng chống dịch bệnh dẫn đến thất thoát, lãng phí.

 Nghị quyết 30 của Quốc hội kéo dài đến 31.12.2023 với một số chính sách cần thiết nhằm duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, cần lưu ý, đây là những chính sách rất đặc thù phục vụ cao điểm khi xảy ra dịch bệnh căng thẳng. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát, đánh giá, phân tích, nhận định đúng bản chất, nguyên nhân chủ quan, khách quan và phân tích các vấn đề tiêu cực, lãng phí trong công tác phòng chống dịch vừa qua. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực y tế nhất là việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thuốc.

-Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp thực hiện
#