Cụ thể, tại Điều 9, dự thảo Luật quy định, Thường trực HĐND thành phố được thực hiện giải quyết công việc giữa hai kỳ họp. Đó là: quyết định các vấn đề cấp bách trong phòng chống thiên tai; quyết định vốn làm quy hoạch; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới. ĐBQH Mai Văn Hải cho rằng, cần mạnh dạn giao quyền cho Thường trực HĐND thành phố để thực hiện một số nhiệm vụ.
Ví dụ, giữa 2 kỳ họp, Thường trực HĐND thành phố có thể quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa hay đất rừng để giải quyết một số dự án cần thiết chuyển đổi mục đích sử dụng đất; điều chỉnh chủ trương, quyết định chủ trương đầu tư mới xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa; kể cả kế hoạch đầu tư công cũng có thể giao nhiệm vụ cho Thường trực HĐND quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất. Đại biểu Hải đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung thêm nội dung này nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực phát triển Thủ đô.
Liên quan đến việc sử dụng nguồn lực tài chính, ngân sách cho sự phát triển Thủ đô, trong đó có quy định, quyết định chi ngân sách thường xuyên cho đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo một số công trình dự án, đại biểu Mai Văn Hải phân tích, giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách đang còn vênh nhau. Cụ thể, chi thường xuyên nhưng có tính chất đầu tư thì phải thực hiện theo Luật Đầu tư công. Như vậy, nếu giao trách nhiệm cho HĐND thành phố quyết định việc chi sử dụng nguồn chi thường xuyên cho các dự án xây mới, sửa chữa các công trình có cần tuân theo Luật Đầu tư công hay không?
Đại biểu Hải cho rằng, nếu bắt buộc áp dụng theo Luật Đầu tư công thì rất nhiều vướng mắc, khó khăn, thậm chí không thể triển khai được. Theo đó, đại biểu đề nghị, HĐND thành phố được phép quyết định chi nguồn ngân sách chi thường xuyên cho thực hiện các dự án mà không cần theo Luật Đầu tư công.
Theo ĐBQH Mai Văn Hải, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đối với chính quyền phường không còn tổ chức HĐND thì thực hiện theo chế độ Thủ trưởng, tức là trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND phường. Tuy nhiên, nhiều quy định chưa có sự thống nhất giữa UBND phường và Chủ tịch UBND phường. Có những chỗ vẫn ghi là thẩm quyền của UBND phường là chưa phù hợp, điển hình là tại Khoản 3, Điều 15 quy định UBND phường và Chủ tịch UBND phường có thể ủy quyền cho cán bộ, công chức. Cơ quan soạn thảo cần rà soát, sửa chữa để phù hợp, tạo sự thống nhất giữa các điều luật.