Trong Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị điều chỉnh 2 nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Một là, kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến hết năm 2024 thay vì “hoàn thành trước năm 2021” như yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 53/2017/QH14. Điều này nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai giải ngân cho Dự án.
Hai là, tổng mức đầu tư Dự án kiến nghị điều chỉnh là 19.207,504 tỷ đồng; lũy kế giải ngân đến thời điểm hiện nay là 16.697,132 tỷ đồng. Nhu cầu vốn để tiếp tục thực hiện, hoàn thành Dự án là 2.510,372 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,749 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2020). Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024.
Góp ý về việc kéo dài thời gian giải ngân vốn, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, theo quy định hiện hành, toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước. Khoản 2.510 tỷ đồng này đã được kéo dài giải ngân một lần, nếu không giải ngân hết thì theo quy định sẽ bị hủy dự toán, thu hồi.
Do đó, nếu thật sự cần thiết, Chính phủ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đưa vào dự toán của giai đoạn tiếp theo và bổ sung khoản 2.500 tỷ đồng chứ không phải kéo dài thời hạn giải ngân. “Phải dứt khoát chỗ này, không phải kéo dài mà phải đưa vào dự toán của giai đoạn tiếp theo, bổ sung dự toán ngân sách năm 2023.
Trong báo cáo thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế cho biết, có ý kiến cho rằng Quốc hội đã phê duyệt quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19.6.2023). Do đó, việc Chính phủ kiến nghị “cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510,372 tỷ đồng đến hết năm 2024” là không khả thi, không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.
Chính phủ cần rà soát lại nội dung này để đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định. Trường hợp Dự án cần bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện thì đề nghị Chính phủ lập và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hằng năm để bố trí vốn cho dự án.
Cũng liên quan đến Dự án bồi thường sân bay Long Thành, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng, phải quy rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm tiến độ triển khai và nội dung này phải đưa vào Nghị quyết của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Nghị quyết của Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ Dự án bồi thường và Dự án xây dựng sân bay Long Thành. Nếu không, có thể năm 2025 chúng ta lại tiếp tục phải ban hành một Nghị quyết khác kéo dài thời gian triển khai Dự án.
Trước đó, trong báo cáo thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đã đề nghị Chính phủ đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án bồi thường “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án xây dựng sân bay Long Thành được nêu tại Nghị quyết số 94/2015/QH13.
Theo đó, Quốc hội yêu cầu giai đoạn 1: đầu tư xây dựng 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Nếu việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án bồi thường “đến hết năm 2024” mà không điều chỉnh về thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 của Dự án xây dựng sân bay thì liệu có bảo đảm khả thi về tiến độ của giai đoạn 1 hay không - Ủy ban Kinh tế nêu vấn đề; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm đề xuất phương án điều chỉnh thời hạn hoàn thành giai đoạn 1 của Dự án mà Quốc hội đã đặt ra tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và báo cáo Quốc hội về nội dung này.