Làm rõ phạm vi, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng

- Thứ Hai, 14/11/2022, 18:11 - Chia sẻ

Tại Hội thảo tham vấn ý kiến ĐBQH về một số nội dung chính của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Bộ Tài Nguyên và Môi trường tổ chức chiều qua (ngày 13.11), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu phạm vi, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng…

“Nhiều quy định còn khó hiểu”

Đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trong khi đây là dự luật phức tạp, phạm vi tác động rộng và quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng: Nội dung của dự thảo luật lần này cơ bản phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là đã thể chế hóa được các nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bảo đảm cụ thể hóa tối đa, đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 18-NQ/TW thành các quy định trong dự thảo luật, cũng như bảo đảm sự phù hợp giữa dự thảo luật với các nghị quyết, kết luận của Đảng, Hiến pháp và các luật có liên quan; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta là thành viên.

Liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Chương V - Điều 68 đến Điều 84 dự thảo), đại biểu Hoàng Trung Dũng cho rằng, cần làm rõ thêm về mối quan hệ của quy hoạch sử dụng đất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, việc lấy ý kiến Nhân dân trong quá trình lập, việc rà soát, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi được phê duyệt, việc giải quyết các phát sinh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất sau khi luật này có hiệu lực thi hành…

Đồng thời, cần làm rõ nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất; tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa thống nhất với Luật Quy hoạch; và cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch tỉnh… “Nội dung này các tỉnh, thành trong cả nước nói chung cũng như tỉnh Hà Tĩnh nói riêng vẫn còn nhiều vướng mắc”, đại biểu Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Làm rõ phạm vi, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng -0
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng phát biểu

Tại Điều 86 về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Hoàng Trung Dũng cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu về phạm vi, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, nhất là trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị và nhà ở thương mại… “Đây là nội dung quyết định đến phương thức tiếp cận, chuyển dịch đất đai, ảnh hưởng đến việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, dễ phát sinh khiếu kiện”, ông Hoàng Trung Dũng nói.

Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai; cụ thể việc quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 86 (đó là các dự án, công trình phải đáp ứng tiêu chí, điều kiện và tiêu chí, điều kiện thu hồi đất)… “Quy định này đang rất khó hiểu. Do đó, cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, đặc biệt nhóm Dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở và Dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn. Khi áp dụng thực tiễn sẽ khó phân biệt 2 loại hình này”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhấn mạnh.

Có sự điều hành của Nhà nước trong trường hợp thỏa thuận nhận chuyển nhượng khó khăn

Tham gia góp ý vào Điều 138 về sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư (đối với các dự án, công trình không thuộc quy định Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86), Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cho rằng: Nội dung này cơ bản kế thừa Luật Đất đai 2013, đã phát huy trong giai đoạn vừa qua, tuy nhiên từ thực tiễn nhận thấy việc thỏa thuận nhận chuyển nhượng giữa nhà đầu tư thực hiện dự án với một số người có quyền sử dụng đất trong nhiều trường hợp rất khó khăn do người có đất yêu cầu mức giá quá cao so với thực tế và so với các hộ khác…

Làm rõ phạm vi, điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, công cộng -0
Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV

Ví dụ, một dự án đầu tư phải nhận chuyển nhượng của 10 hộ có đất, nhà đầu tư đã thỏa thuận được với 7 hộ rồi, nhưng 3 hộ còn lại họ không chịu thỏa thuận và có thể có cấu kết với nhau đẩy giá thỏa thuận lên quá cao, nhà đầu tư không thể đáp ứng thì lúc đó dự án cũng không triển khai được, hoặc nếu nhà đầu tư chấp nhận thì 7 hộ đã thỏa thuận trước sẽ khiếu kiện… “Điều này đã xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh, nên rất vướng mắc về mặt bằng để khai dự án theo hình thức này (phần lớn vướng mắc từ công tác GPMB)”, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng dẫn ví dụ từ thực tiễn.

Trên cơ sở đó, ông Hoàng Trung Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để có sự điều hành của Nhà nước trong trường hợp này; quy định mức giá trần để hai bên đàm phán, nếu vượt mức giá này thì Nhà nước sẽ có biện pháp can thiệp (có thể bằng cách đánh thuế chuyển nhượng cao lên), hoặc khi đã thỏa thuận được trên 70% thì đối với 30% còn lại nhà nước có thể can thiệp thu hồi đất, như thế dự án mới triển khai được.

Diệp Anh - Quang Đức
#