Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến:

Hạn chế mức tăng, giảm giá đột biến

- Thứ Hai, 07/11/2022, 22:10 - Chia sẻ

Chiều 7.11, góp ý vào Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), một trong những vấn đề được Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đặc biệt quan tâm, đó là vấn đề bình ổn giá.

Cụ thể, về bình ổn giá xăng dầu, đại biểu đề xuất: Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét quy định và duy trì đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có cơ chế đặc thù để trích lập, sử dụng được thực hiện gắn với các kỳ điều hành giá nhằm tạo bước đệm, hạn chế mức tăng, giảm giá đột biến, ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội.

Phải đánh giá được “tác động của hàng hóa, dịch vụ”

Bàn thảo về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (quy định tại Điều 19), ĐBQH Nguyễn Thị Yến cho biết, đây là nội dung bà rất quan tâm. Lý giải điều này, nữ ĐBQH cho rằng: hiện nay, Luật Giá hiện hành có phạm vi và biện pháp bình ổn giá chưa linh hoạt, hiệu quả khi có phát sinh biến động giá của những mặt hàng thiết yếu, quan trọng đối với đời sống nhân dân và toàn xã hội, nhất là trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, khó khăn trong việc quyết định triển khai bình ổn giá. Theo đó, cả 2 tiêu chí là khi giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động bất hợp lý ảnh hưởng đến ổn định kinh tế- xã hội là khó lượng hóa được tại thời điểm này, nhất là phải nhận diện yếu tố bất hợp lý...

ĐBQH Nguyễn Thị Yến cũng chỉ rõ: Tại Dự thảo Luật giá (sửa đổi) đã đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại luật. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn. Tuy nhiên, Dự thảo luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt. Như theo Điều 19 dự thảo Luật, hàng hóa, dịch vụ bình ổn là “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu”; “tác động ảnh hưởng toàn diện đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ” là quá rộng. Trong khi đó Danh mục các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá chi tiết sẽ được rà soát trên 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ theo Luật Giá năm 2012 để kế thừa, điều chỉnh phù hợp…

Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị trong quá trình rà soát, Ban soạn thảo phải đánh giá được “tác động của hàng hóa, dịch vụ” thì mới đưa vào danh mục bình ổn giá. “Vì bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định”- đại biểu nhấn mạnh.

Nói thêm về những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến việc điều tiết bình ổn giá, ĐBQH Nguyễn Thị Yến nêu thực tế: Tình hình biến động của thị trường hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, trang thiết bị y tế… đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Vì vậy, Ban soạn thảo cân nhắc, sớm bổ sung danh mục này trên cở sở thực tiễn, khoa học và đánh giá đúng tác động để đảm bảo căn cứ pháp lý- đại biểu đề xuất.

Điều hành Quỹ bình ổn giá

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá được quy định tại Điều 22, ĐBQH Nguyễn Thị Yến góp ý: Dự thảo luật điều chỉnh đưa biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá để quy định một điều riêng, trở thành một khâu trong quy trình bình ổn giá; đưa biện pháp lập quỹ bình ổn giá trong nhóm biện pháp bình ổn giá có thời hạn để quy định một điều riêng.

Cụ thể về bình ổn giá xăng dầu, đại biểu cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động của giá, từ đó đã giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống người dân.

“Qua nghiên cứu, theo dõi cho thấy, tại thời điểm này giá xăng dầu diễn biến vẫn rất thất thường, khó dự báo, nên cơ chế Quỹ rất cần thiết để điều hành giá trong nước nhằm hạn chế những biến động lớn về giá vì thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ Quỹ hiện tại là chưa phù hợp”. Theo đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét quy định và duy trì đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, có cơ chế đặc thù để trích lập, sử dụng được thực hiện gắn với các kỳ điều hành giá nhằm tạo bước đệm, hạn chế mức tăng, giảm giá đột biến, ảnh hưởng đến kinh tế- xã hội- đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.

Cần thống nhất định giá và quản lý giá thuốc, vật tư y tế

Bàn thảo về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, ĐBQH Nguyễn Thị Yến bày tỏ sự thống nhất việc đưa sách giáo khoa vào danh mục nhà nước định giá, quản lý giá do đây là mặt hàng thiết yếu và có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, cần thiết phải kiểm soát, khống chế giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. “Đối với giá sách giáo khoa, tôi đề nghị cần cân nhắc, nên thống nhất trên toàn quốc về giá sách đối với từng cấp học, tránh tình trạng cùng một loại sách của một cấp học mà mua tại địa phương này giá khác, địa phương kia giá khác”

Đại biểu cũng cho biết, thời gian qua việc quản lý giá thuốc và vật tư y tế có rất nhiều bất cập, gây khó cho công tác đấu thầu, mua sắm thuốc vật tư y tế trên toàn quốc. Cử tri vào các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều có chung kiến nghị, đề xuất Chính phủ cần thống nhất định giá và quản lý giá thuốc và vật tư y tế trên toàn quốc. Tôi nhận thấy để tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, giúp công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế được thuận lợi, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định việc định giá, quản lý giá thuốc vật tư y tế vào Luật Giá (sửa đổi).

Hải Thanh- Châu Vũ
#