Tiếp tục Kỳ họp thứ Sáu, chiều nay, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ và việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP là cần thiết
Trong Tờ trình gửi Quốc hội, Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Trong đó, Chính phủ đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án và cho phép áp dụng áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với danh mục dự án cụ thể kèm theo.
Hầu hết ý kiến cho rằng, nên thí điểm tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP lên không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc phát triển hệ thống giao thông đường bộ.
Theo ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), nếu thực hiện theo Luật PPP, vốn nhà nước tham gia dự án không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án thì khó thu hút đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức PPP hiện gặp nhiều khó khăn. Việc chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng cũng khiến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc đầu tư các dự án giao thông theo hình thức PPP.
Vì vậy, theo đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, việc thí điểm nâng tỷ lệ vốn góp của Nhà nước trong một số dự án PPP cụ thể là cần thiết. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ cơ sở đề xuất mức tăng không quá 70%.
Góp ý vào cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ĐBQH Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, cần xem xét, rà soát bổ sung các nguyên tắc, tiêu chí được áp dụng cơ chế đặc thù để tránh tiêu cực.
ĐBQH Đinh Việt Dũng (Ninh Bình) cũng đề xuất Quốc hội cần có ý kiến đối với Chính phủ quy định rõ các nhà thầu được khai thác mỏ không được sử dụng vật liệu để thi công dự án khác.
Dự án sân bay Long Thành: Có phương án giải quyết phù hợp cho những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường
Đối với Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ đề xuất điều chỉnh 2 nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14.
Một là, kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến hết năm 2024 thay vì “hoàn thành trước năm 2021” như yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết 53/2017/QH14.
Hai là, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024 để tiếp tục hoàn thành Dự án.
Nhiều ý kiến nhất trí kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho dự án.
Tuy nhiên, ĐBQH Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá và có giải pháp cụ thể bảo đảm chất lượng dự án, bảo đảm diện tích bàn giao và tránh việc dự án không bảo đảm tiến độ lại phải kiến nghị lùi thời hạn lần nữa.
Ngoài ra, theo đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, trong tờ trình Chính phủ có báo cáo tái định cư cho người dân, nhưng với những trường hợp không đủ điều kiện bồi thường cần có phương án giải quyết phù hợp để người dân bị không bị thiệt thòi, với phương châm nơi ở mới bằng và tốt hơn nơi ở cũ và tránh khiếu kiện khiếu nại người dân khi bị thu đất.