Nhiều điểm sáng đáng ghi nhận
Tại buổi thảo luận tổ, đa số các đại biểu đồng tình với báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng đánh giá nền kinh tế - xã hội vẫn còn bộc lộ những hạn chế cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để khắc phục.
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế chưa được khắc phục triệt để. Hơn 2 năm qua, ngành y tế đã tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị định, thông tư để tháo gỡ nhưng tình trạng này vẫn đang diễn ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm có cuộc giám sát sau khi sửa đổi các Luật, nghị quyết, thông tư có liên quan. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế để khám, chữa bệnh cho người dân.
Liên quan đến việc cải cách sách giáo khoa chưa đạt được yêu cầu, ĐBQH Nguyễn Anh Trí kiến nghị: Bộ Giáo dục - Đào tạo xem xét, bàn và đưa ra cách tháo gỡ thật hiệu quả. Đối với việc phát triển kinh tế, đại biểu đề xuất đẩy mạnh đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho những vùng miền khó khăn.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 là năm rất khó khăn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà cả ở trên thế giới. Tuy nhiên, so với bối cảnh kinh tế thế giới thì Việt Nam vẫn có những kết quả đáng ghi nhận. "Trong khi lạm phát thế giới còn cao thì lạm phát của Việt Nam vẫn được kiềm chế trong giới hạn cho phép. Kết quả về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ khoảng 5% so với mục tiêu 6,5% nhưng so với nhiều nước trên thế giới và khu vực thì Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng", ĐBQH Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đại biểu cho biết, sau đại dịch Covid-19, trong khi trên thế giới đang diễn ra làn sóng về nợ, nhiều tập đoàn phá sản, nhiều quốc gia nợ công cao thì Việt Nam vẫn kiểm soát được tình hình; tình trạng nợ của doanh nghiệp đã được khắc phục. Việc rút trái phiếu doanh nghiệp cũng không quá ồ ạt.
Tuy nhiên, trong năm 2023, tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần được xem xét, trong khi nguồn vốn, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gần như bị bão hòa. Nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể nền kinh tế vẫn sẽ phát triển trì trệ, bởi Việt Nam đang chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Giống như ý kiến của một số đại biểu khác, ĐBQH Hoàng Văn Cường dự báo năm 2024 sẽ là năm có nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ, trong khi những yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, ngoài các giải pháp Chính phủ đã đề ra, cần thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, thực hiện ngay giảm thuế VAT 2% bằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết ngay từ Kỳ họp thứ Sáu này.
"Ngoài ra, cần thực hiện giảm thuế, giảm tiền thuê đất; kịp thời có chính sách tài khóa đối với tiền tệ, điều hành ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ cao hơn", ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất.
Đối với chính sách tài chính, tài khóa, ngân sách, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tiếp tục giữ được ngân sách một cách ổn định. Ngoài ra, đầu tư công cần phải đến lúc thay đổi và cần chính sách mới như đặt hàng cho các tập đoàn kinh tế lớn để đẩy nhanh tốc độ như chính sách đặt hàng công nghiệp đường sắt.
Đóng góp vào các nội dung kinh tế - xã hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thông qua thay đổi về thể chế, doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc...
Đặc biệt, liên quan đến việc tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bí thư Thành uỷ Đinh Tiến Dũng cho biết: Trung ương đã ban hành nghị quyết về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, song đến nay việc triển khai trên thực tế vẫn còn lúng túng. Đáng chú ý, việc tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân như y tế, giáo dục.
Chia sẻ cách làm sáng tạo, hiệu quả của Hà Nội khi triển khai việc tự chủ trong các trường học, ĐBQH Đinh Tiến Dũng cho biết: HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Năm học 2023-2024 đã có 296 đơn vị đăng ký thí điểm, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã.
“Mục tiêu quan trọng của nghị quyết thí điểm này là nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo thông qua cơ chế đặt hàng cho các trường, từ đó các trường hướng đến việc tự chủ hoàn toàn”, ĐBQH Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu Đoàn ĐBQH TP Hà Nội còn cho ý kiến vào việc thực hiện đề tài khoa học, ngân sách dành cho đề tài khoa học công nghệ trọng điểm; ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông; cải cách chính sách tiền lương; nhà ở cho người thu nhập thấp...
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận tại tổ, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cảm ơn sự đóng góp của các ĐBQH đối với phần đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những lĩnh vực liên quan. Đây là những ý kiến đóng góp thiết thực, quý báu để Ban soạn thảo tổng hợp báo cáo kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại phiên thảo luận toàn thể tại Hội trường.