Góp ý kiến về kinh phí kiểm định nhà chung cư được quy định tại Khoản 8, Điều 62, đại biểu Sơn đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu có chế tài quy định rõ về trách nhiệm của chủ sở hữu nhà chung cư trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng góp kinh phí để thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư. Cụ thể, tại Khoản 8, Điều 62 của dự thảo luật quy định:“Các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí để thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư, trừ trường hợp chủ sở hữu chung cư cũ theo quy định của luật này”. Tuy nhiên, nội dung dự thảo lại chưa có giải pháp cụ thể nào đặt ra trong trường hợp nếu các chủ sở hữu căn hộ không hợp tác hoặc trường hợp không có khả năng đóng góp kinh phí thì cũng nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Về đối tượng công nhân, người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, Khoản 6, Điều 73 quy định: “Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp” là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đại biểu Sơn phân tích thực tế, hiện nay trên địa bàn các tỉnh, bên cạnh các khu công nghiệp, còn có khu kinh tế và có rất nhiều các cụm công nghiệp đang thu hút số lượng lớn công nhân lao động. Do vậy, nếu chỉ ưu tiên mình công nhân, người lao động ở các KCN là chưa bao quát hết các đối tượng khó khăn. Ngoài ra, trong khối lực lượng công nhân lao động có một số lực lượng công nhân lao động chất lượng cao, được hưởng mức lương, thu nhập cao, họ có đủ điều kiện để chăm lo cuộc sống cho bản thân và gia đình họ, đối tượng này chưa nhất thiết phải thực hiện chính sách hỗ trợ.
Để tập trung nguồn lực hỗ trợ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, đại biểu đề nghị sửa Khoản 6 thành: “Công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”
Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội được quy định tại Điều 80, đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu thực tế, hiện nay có nhiều địa phương chỉ quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; không bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành, việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị. Việc chưa thực hiện nghiêm việc bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội này chủ yếu nằm ở khâu tổ chức thực hiện. Do vậy, cần có chế tài cụ thể trong việc trách nhiệm tổ chức thực hiện.
Việc dự thảo Luật không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội như Luật Nhà ở hiện hành là chưa phù hợp. Vì ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, nếu bỏ việc bố trí 20% quỹ đất, chỉ trích phần tiền sử dụng đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật xây dựng nhà ở xã hội thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách Nhà nước.
Để tăng cường trách nhiệm của chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, tôi cho rằng dự thảo nên giữ quy định hiện hành về việc dành 20% quỹ đất dự án nhà ở thương mại, khu đô thị cho xây dựng nhà ở xã hội để bảo đảm nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội.
ĐBQH Võ Mạnh Sơn cũng thống nhất với đề xuất của Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định tại Khoản 3, Điều 80 theo hướng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Về ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê được quy định tại Điều 82, đại biểu Sơn băn khoăn về quy định tại điểm d, Khoản 2 trong dự thảo Luật xác định phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hộiphụ thuộc vào quy hoạch chi tiết do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Tinh thần của dự thảo là tạo điều kiện cho chủ đầu tư được phép dành diện tích đất này để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại (trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cơ sở y tế) để phục vụ nhu cầu của người dân trong phạm vi dự án. Tuy nhiên, quy định này chưa bảo đảm tính chặt chẽ, dễ bị các chủ đầu tư lạm dụng dẫn đến tiêu cực trong việc xin phép làm dự án nhà ở xã hội nhưng mục tiêu chính là để có đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. Theo đó, để có cơ sở kiểm soát chặt chẽ, đại biểu đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội tại Khoản 2, Điều 82 của dự thảo Luật.
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân tại Khoản 3, Điều 81 và Khoản 3, Điều 89, ĐBQH Võ Mạnh Sơn đánh giá cao và thống nhất với việc dự thảo quy định cho phép Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tăng cường các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động, đối tượng được hưởng chính sách xã hội mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là một chủ thể có vai trò quan trọng, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn trong việc đầu tư, vận hành thiết chế của công đoàn hiện nay. Việc chăm lo nâng cao điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc, bảo đảm an sinh xã hội cho công nhân, người lao động là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Do vậy, nguồn lực để thực hiện đầu tư cần có sự chung tay của cả nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách công đoàn và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác. Dự thảo Luật cần làm rõ thêm về trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ kinh phí, trách nhiệm của công đoàn là chủ đầu tư, để khi luật được Quốc hội thông qua, sớm đi vào cuộc sống.