ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu): Xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng

- Thứ Năm, 03/11/2022, 17:32 - Chia sẻ

Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 3.11, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng: Ban soạn thảo cân nhắc rà soát kỹ việc xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

Bảo đảm sự thống nhất giữa các luật 

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu), dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một dự án luật lớn, phạm vi tác động rộng, được xã hội rất quan tâm, có tác động sâu sắc tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của Nhân dân. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 18 của Trung ương; sự tương thích giữa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với các dự án luật khác đang được Quốc hội xem xét, cho ý kiến và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trước khi tổ chức lấy ý kiến Nhân dân.

Cân nhắc, rà soát kỹ các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi)  -0
ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) phát biểu góp ý về dự án Luật Đất đai ( sửa đổi) sáng 3.11

Cho rằng, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của người dân về đất đai được dư luận quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác; được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu cũng cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này với 16 Chương, 245 Điều.

Tuy nhiên còn 48 Điều, giao Chính phủ, các bộ quy định chi tiết, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, luật hóa sau khi tiếp thu ý kiến của Quốc hội, đồng thời thể chế hóa tại dự thảo Nghị định và Thông tư liên quan để xin ý kiến Nhân dân cùng với dự thảo Luật, trong đó quan tâm đến các nội dung liên quan đến tiêu chí, điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất, các thủ tục hành chính về đất đai tại Chương 14… bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Yến, trong chính sách đất đai, thu hồi đất là chế định đặt ra yêu cầu cao nhất và khó khăn nhất về bảo đảm “hài hòa lợi ích” và “công bằng xã hội”. Bởi thu hồi đất là việc Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính nhằm thu hồi quyền sử dụng đất của chủ thể này để giao cho một chủ thể khác - công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, bất bình đẳng xã hội, tiêu cực, lợi ích nhóm và gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó, Nghị quyết 18 của Đảng đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai để “bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”.

Theo đó, liên quan đến việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86), qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy Điều 86 dự thảo Luật quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, gồm 5 khoản và sử dụng kỹ thuật liệt kê các loại hình dự án; phân loại dự án...

Việc xây dựng theo kỹ thuật liệt kê dẫn đến các hạn chế: Khi thực tiễn xuất hiện các loại hình dự án mới cần phải thu hồi đất, thì việc liệt kê, “gọi tên” dự án dẫn đến phải sửa luật để bổ sung các loại dự án mới; Phải điều chỉnh dự án cho phù hợp với một trong các loại hình dự án được Luật liệt kê mới đủ điều kiện thu hồi đất. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rà soát kỹ việc xác định rõ các tiêu chí, điều kiện thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại khoản 4 của Điều luật này để tránh lạm dụng, thu hồi đất tràn lan, không đúng bản chất, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người có đất thu hồi.

ĐBQH Nguyễn Thị Yến cũng đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm một điều giữa điều 94 và 95 của dự thảo Luật về nội dung quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đối với công trình có hành lang an toàn khi xây dựng công trình có hành lang bảo vệ an toàn như đường dây điện,… trong đó quy định về thủ tục kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế bàn giao mặt bằng trong trường hợp người bị ảnh hưởng không hợp tác cho kiểm đếm, không giao mặt bằng. Những trường hợp này do Nhà nước không thu hồi đất và hiện nay không có quy định xử lý nên không thực hiện được khi người sử dụng đất không hợp tác...

Hải Thanh - Châu Vũ
#