ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu): Cần cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết khó khăn của ngành y tế

- Thứ Sáu, 28/10/2022, 18:11 - Chia sẻ

Phát biểu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế- xã hội chiều 28.10, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa- Vũng Tàu) đề xuất những nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Tư; đồng thời đề nghị giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những khó khăn từ thực tiễn...

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết khó khăn của ngành y tế -0
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên thảo luận kinh tế-xã hội. Ảnh: CHÂU VŨ

Những vấn đề cấp bách được xử lý hiệu quả, kịp thời

Cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ đến nền kinh tế nước ta. Song, Việt Nam đã tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế phục hồi nhanh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Những vấn đề cấp bách đã được xử lý hiệu quả, kịp thời như: giá xăng dầu, tỉ giá, chứng khoán, bão lụt...

Báo cáo cũng cho thấy, nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được chỉ đạo giải quyết, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. GDP 9 tháng tăng 8,83% cao nhất từ năm 2011 đến nay. Đây là một năm bứt phá, tăng tốc, ấn tượng, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á, xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau đại dịch.

“Cử tri và Nhân dân cả nước vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, quyết sách của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành năng động, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó thủ tướng Chính phủ trước những khó khăn của Đất nước”- đại biểu Nguyễn Thị Yến khẳng định.

Cần cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết khó khăn của ngành y tế -0
ĐBQH Nguyễn Thị Yến, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phát biểu thảo luận về kinh tế-xã hội, chiều 28.10. Ảnh: CHÂU VŨ

Cần quan tâm thúc đẩy kinh tế số

Từ thực tế khách quan hậu quả của đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Yến nhìn nhận: bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn có những thời cơ, thách thức đan xen.

Đại biểu nhấn mạnh, kinh tế số đang phát triển nhanh và trở thành xu hướng, tiềm năng phát triển mới trên thế giới, hiện đang chiếm 15% GDP toàn cầu. Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong khối ASEAN về kinh tế số. Nếu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP năm 2021 là 5% thì chỉ trong những tháng đầu năm 2022 tỷ trọng này đã đạt 10,41% bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hiện chuyển đổi số quốc gia được đánh giá giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, giúp Nhà nước thay đổi phương thức và nâng cao năng lực quản lý điều hành, góp phần quan trọng phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Kinh tế số được xem là động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam dựa trên công nghệ số và nền tảng số có sử dụng thông tin số, tri thức số, dữ liệu số; đặc biệt là các giao dịch điện tử. Mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% GDP. Theo các chuyên gia để đạt được mục tiêu này, kinh tế số phải tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP (6,5-7%), tức là khoảng 20-25% /năm. Từ phân tích này, đại biểu đề nghị, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 411 ngày 31.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ và quản lý đồng bộ về phát triển chuyển đổi số quốc gia trong đó đặc biệt quan tâm đến kinh tế số. Quan tâm đào tạo phát triển nguồn nhân lực số, đầu tư hạ tầng số. Bổ sung, cập nhật chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế số trong tỷ trọng GDP, xem đây là chỉ tiêu đột phá góp phần tạo động lực tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế

Chúc mừng ngành Y tế vừa có Tân Bộ trưởng, ĐBQH Nguyễn Thị Yến cũng chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Y tế về những khó khăn hiện nay của ngành như thực trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trên diện rộng, một số y bác sỹ, nhân viên y tế xin nghỉ việc... “Bộ trưởng cũng hết sức nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, song vấn đề này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Y tế, mà đòi hỏi có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính tri mới giải quyết tốt được” - đại biểu nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến:Tài sản đầu tiên là sức khỏe. Sức khỏe mới là thứ đáng quý nhất ở trên đời. Người dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của bất cứ quốc gia nào”. Trước thực trạng trên và để thực hiện tốt Nghị quyết số 20 của Trung ương Đảng, đại biểu đề nghị, Quốc hội cần đưa nội dung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị, nguồn nhân lực y tế và xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, cấp thiết, cần đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4; đồng thời giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những khó khăn từ thực tiễn nêu trên. Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho rằng, hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu; Luật Giá (sửa đổi) và các luật liên quan đang trong tiến trình sửa đổi, bổ sung; nên khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ năm 2024, không kịp thời giải quyết, tháo gỡ tình trạng cấp bách hiện nay, khi các luật sửa đổi chưa được thông qua và có hiệu lực.

Cùng đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan: rà soát, sửa đổi, bổ sung các Nghị định 60, 98, 146; Thông tư số 21, 30, 37, 38; Quyết định số 4210, 5086 có bất bất cập, không phù hợp bằng một Nghị định chung và Thông tư mới để điều chỉnh kịp thời các vướng mắc từ thực tiễn.

Hải Thanh- Châu Vũ
#