Chiều nay, 26.5, phát biểu thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cho rằng: Các ý kiến, kiến nghị cử tri khi được Đoàn ĐBQH tổng hợp chuyển Ban Dân nguyện phân loại, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng chuyển đến cơ quan không đúng chức năng cử tri phải chờ đợi quá lâu
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn)
Sớm ban hành chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với hộ nghèo
Đồng tình và đánh giá cao việc lần đầu tiên Quốc hội đưa nội dung kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV để thảo luận. Theo đánh giá của đại biểu, báo cáo dày dặn và phụ biểu kèm theo tương đối chi tiết là dịp để ĐBQH, nhân dân, cử tri có được sự đánh giá nhìn nhận một cách toàn diện nhất công tác tổng hợp phân loại các kiến nghị và theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri của Bộ, ngành Trung ương.
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, đại biểu cho rằng: Thời gian qua thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN- PTNT tỉnh Bắc Kạn đã tiếp tục thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình tại các xã khu vực II. III trong năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, kinh phí còn nợ phải thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ và sản xuất năm 2021, 2022 cho các thôn, tổ, người dân đối với xã khu vực II, III là 52.826, 12 triệu đồng (năm 2021: 28.258,66 triệu đồng; năm 2022: 24.567,46 triệu đồng).
Tuy nhiên, ngày 10.6.2022, Bộ Tài chính có quyết định về việc giao dự toán bổ sung có mục tiêu kinh phí sự nghiệp từ ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỉnh Bắc Kạn đã được phân bổ 72.328 triệu đồng để thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3. Với thời gian cấp kinh phí và các văn bản hướng dẫn muộn nên việc triển khai thực hiện tiểu dự án 1 trong năm 2022 của tỉnh chỉ giải ngân được 17.355,65 triệu đồng, còn dư 54.972,35. Đối chiếu với đối tượng, khối lượng kết quả đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên từ năm 2021, 2022 tại các xã khu vực II, III trên địa bàn tỉnh là phù hợp với mục tiêu, đối tượng của tiểu dự án 1. Đại biểu Quốc hội đề đề nghị Chính phủ đồng ý cho tỉnh được sử dụng một phần kinh phí từ nguồn vốn đã được phân bổ năm 2022 của tiểu dự án 1 để thanh toán tiền nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên phòng hộ và sản xuất thuộc các xã khu vực II, III năm 2021, 2022.
Liên quan đến số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu; số hộ nghèo khu vực nông thôn có nhu cầu hỗ trợ nhà ở tỉnh Bắc Kạn, tỉnh đã báo cáo Bộ xây dựng có 13.688 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ xây dựng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng: để bảo đảm an sinh xã hội trong lĩnh vực nhà ở, hỗ trợ hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại các khu vực chịu ảnh hưởng thiên tai, biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho các đối tượng nêu trên.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tỉnh còn vướng nội dung tại Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình MTGN giai đoạn 2021-2025 quy định: “Đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, đề án, chính sách khác”.
Trong quá trình triển khai thực tế vẫn còn trường hợp một số hộ gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, Đề án như: Chương trình 134, 167 và các chương trình chính sách khác có thời gian khoảng trên dưới 10 năm. Đến nay tình trạng nhà của các hộ gia đình đã xuống cấp không đủ 3 cứng, có trường hợp nhà đã bị hư hỏng dột nát có nguy cơ sụp đổ cao; một số hộ chỉ được hỗ trợ phần mái nhà hoặc tấm lợp từ các chương trình chính sách khác trong các đợt bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa bão. Cũng theo đại biểu, các đối tượng thuộc trường hợp nói trên rất khó khăn về nhà ở nếu không được hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ các trường hợp này.
Các kiến nghị cử tri cần được xem xét kỹ lưỡng
Để kết quả giám sát ý kiến, kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao, ĐBQH Hồ thị Kim Ngân cũng đề nghị: Đối với nội dung được ĐBQH có ý kiến tại các buổi thảo luận tại kỳ họp, đặc biệt là thảo luận về KT-XH cần được tổng hợp, phân loại và chuyển cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, vì đó là những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi gắm đại biểu để chuyển tải đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương.
Đại biểu cho biết, từ thực tế qua quá trình theo dõi, tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, ý kiến của ĐBQH, địa phương cho thấy, nội dung nào được phản ánh nhiều lần, qua nhiều kỳ họp, từ nhiệm kỳ trước sang nhiệm kỳ sau thì cần tổ chức giám sát để qua đó có những kiến nghị tháo gỡ vướng mắc kịp thời. Các ý kiến, kiến nghị cử tri khi được Đoàn ĐBQH tổng hợp chuyển Ban Dân nguyện phân loại, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết cần được xem xét kỹ lưỡng để tránh tình trạng chuyển cơ quan không đúng chức năng cử tri phải chờ đợi quá lâu.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến việc phải xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung văn bản đã ghi rõ lộ trình hoàn thành đối với 574 vấn đề và 55 vấn đề chưa rõ lộ trình tại phụ biểu số 6 gửi cho ĐBQH cần được chỉ đạo quyết liệt để thực hiện theo đúng đề xuất, cam kết cũng như yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong chỉ đạo điều hành để người dân, cử tri không còn cảnh mòn mỏi, chờ đợi, để ĐBQH, Đoàn ĐBQH hoàn thành đầy đủ chức trách nhiệm vụ của mình, luôn nhận được sự tin tưởng, gửi gắm của Nhân dân, cử tri.