ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh): Sớm tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế

- Thứ Sáu, 28/10/2022, 14:56 - Chia sẻ

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị, Bộ Y tế cần sớm xác định những bất cập trong đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị vật tư y tế. Trong đó, phải làm rõ vướng mắc ở Luật, nghị định, thông tư, nhà cung cấp hay do khâu tổ chức thực hiện; thuộc lĩnh vực của Bộ Y tế phụ trách hay các bộ liên quan để báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định giải pháp giải quyết nhằm tháo gỡ sớm nhất.

Phải sớm khác phục độ trễ quá lớn trong triển khai thực hiện chính sách

Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, năm 2022, cả nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có rất nhiều khó khăn thách thức. Song, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội đã chủ động nắm bắt tình hình, xem xét quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước kịp thời, có ý nghĩa quan trọng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Sớm định vị bất cập, vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, thiết bị vật tư y tế -0
ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) phát biểu thảo luận tại hội trường sáng 28.10

“Sự điều hành nỗ lực quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, quyết tâm vượt khó khăn, thách thức, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân, kinh tế - xã hội đã có bước phục hồi nhanh, đạt kết quả trên các lĩnh vực”, đại biểu Đỗ Thị Lan khẳng định.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tài chính, ngân sách nhà nước ở một số lĩnh vực chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 46,7%; vốn đầu tư phát triển thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 3,86%. Đáng chú ý, tiến độ giải ngân các chính sách tài khóa, tiền tệ thực hiện Nghị quyết 43 hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến nay mới đạt 20%. “Có thể nói là rất chậm trễ, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển năm 2022 và mục tiêu của cả giai đoạn 2021 – 2025”, đại biểu nhấn mạnh.

Thẳng thắn chỉ rõ các nguyên nhân, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng: Đối với các Chương trình mục tiêu, nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu là do chậm và thiếu đồng bộ trong ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai. Cùng với đó, một số cơ chế, chính sách phân cấp cho địa phương khó cụ thể hóa và phải thông qua HĐND quyết định gây mất nhiều thời gian. Ngoài ra, công tác phân bổ vốn, giao vốn chậm (đến hết tháng 9 mới hoàn thành giao vốn Ngân sách Trung ương) và hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện cũng là nguyên nhân dẫn đến độ trễ quá dài từ khi ban hành chính sách đến khi đi vào cuộc sống.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Đỗ Thị Lan cũng phản ánh cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn dù hơn hai năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã giúp doanh nghiệp từng bước đi qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Nhất là chính sách giãn, giảm thuế, giãn hoãn trả nợ đến tháng 6.2022.

Tuy nhiên, trong năm 2022, giá cả một số mặt hàng, nguyên nhiên vật liệu, xăng dầu, cước vận tải, đầu vào của sản xuất kinh doanh tăng cao; nhiều doanh nghiệp rất khó khăn trong tiếp cận vốn, nguồn nhân lực, nhất là nhân lực ngành du lịch, do ảnh hưởng dịch bệnh đã chuyển sang ngành khác, khó tuyển dụng mới và đào tạo lại, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng; chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước, triển khai chậm, còn khó khăn, chưa mang lại kết quả…

“Để doanh nghiệp khắc phục khó khăn, giữ vững vai trò xương sống của nền kinh tế, giải quyết việc làm, tham gia giải quyết an sinh xã hội. Đề nghị, Chính phủ tiếp tục có giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vào cuộc sống”, đại biểu Đỗ Thị Lan kiến nghị. Đồng thời, mong muốn, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có chính sách giãn giảm thuế đến năm 2023.

Không để người bệnh chờ thuốc, bệnh viện thiếu thuốc, vật tư

Về lĩnh vực an sinh xã hội, đại biểu Đỗ Thị Lan phản ánh, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế đã được cử tri cử tri phản ánh trong thời gian qua. Ngay tại Kỳ họp này, không ít ĐBQH cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng. Trong phiên thảo luận hôm qua, 27.10, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã khẳng định: Bộ đang triển khai các giải pháp, đánh giá thực tế, tham mưu với Chính phủ.

Theo đại biểu, Bộ Y tế với vai trò của mình cần sớm định vị, bất cập, vướng mắc nằm ở Luật, nghị định, thông tư, do nhà cung cấp hay do tổ chức thực hiện; thuộc lĩnh vực của Bộ Y tế phụ trách hay các bộ liên quan, để báo cáo Chính phủ đề nghị Quốc hội quyết định, giải pháp giải quyết và đưa vào nghị quyết Kỳ họp thứ Tư này. Qua đó, tháo gỡ sớm nhất tình trạng thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế, bảo đảm điều kiện khám, chữa bệnh cho người dân, hiện nay tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không để người bệnh chờ thuốc, bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị vật tư y tế lâu hơn nữa.

Cũng liên quan đến an sinh – xã hội, đại biểu đề nghị Chính phủ cho rà soát đánh giá tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4.6.2021 về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, Khu vực II, Khu vực I thuộc đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Từ đó, xem xét cho kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách đối với đối tượng phù hợp. Trong đó, có chính sách hỗ trợ mua BHYT cho người dân nhằm bảo đảm mục tiêu bao phủ BHYT, thực hiện công tác giảm nghèo, các chính sách dân tộc và đưa các xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn một cách bền vững.

Bên cạnh đó, ĐBQH Đỗ Thị Lan cũng đề nghị, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo, tăng chi thường xuyên từ ngân sách cho công tác phòng chống phòng chống tệ nạn, nhất là phòng chống ma túy, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

MẠNH TUÂN
#