Cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy

- Thứ Tư, 19/06/2024, 20:31 - Chia sẻ

Chiều 19.6, thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận), các ý kiến đồng tình việc bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong thực hiện nhiệm vụ. 

Cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng phòng cháy chữa cháy -0
ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình). Ảnh: Quang Khánh

Theo ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Quảng Bình), việc ban hành Luật là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về việc tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. 

Luật bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ (CNCH) để phù hợp với các quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Thực tế, hoạt động cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy (PCCC) có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Việc bổ sung quy định về hoạt động CNCH vào luật là cần thiết để cung cấp cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng PCCC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.

Về giải thích từ ngữ tại Khoản 1 Điều 3 quy định, cháy là trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến môi trường, an ninh, trật tự; Đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho rằng, đây là khái niệm chưa đúng về bản chất của từ “cháy”. Bởi cháy là quá trình phản ứng hóa học tỏa nhiệt và phát ra ánh sáng trong điều kiện cung cấp đủ chất đốt, oxy và nguồn nhiệt. Nên nếu giải thích như dự thảo chưa bao hàm hết và chỉ quy định về 1 trường hợp là không kiểm soát được và không thể quy định mỗi Luật một trường hợp để giải thích nghĩa của từ “cháy”. Dó đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa lại cho phù hợp.

Cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng phòng cháy chữa cháy -0
Toàn cảnh thảo luận Tổ 12. Ảnh: Quang Khánh

Ngoài ra, tại Điều 28 quy định về Người chỉ huy chữa cháy và Điều 34 về Tổ chức cứu nạn, cứu hộ chưa rõ ràng. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 28 quy định Khi xảy ra cháy, người có chức vụ cao nhất trong lực lượng Công an nhân dân có mặt tại nơi xảy ra cháy là người chỉ huy chữa cháy và Khoản 2, Điều 34 quy định: Người có chức vụ cao nhất trong lực lượng Công an nhân dân có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn là người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn quy định tại Khoản 2 Điều 33 của Luật này.
Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa hợp lý vì thực tế tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có thể có nhiều người cùng chức vụ, cùng cấp bậc hàm trong công an nhân dân. Nên quy định thêm về thẩm quyền, như sau: Người có chức vụ, thẩm quyền cao nhất trong lực lượng Công an Nhân dân... Do đó, đề nghị tại Điểm d, Khoản 2, Điều 28 sửa lại: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên của địa phương đó có mặt tại đám cháy là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy.

Tương tự như trên, trong công tác cứu nạn, cứu hộ có thể có nhiều đối tượng như Chủ tịch UBND cấp huyện trở lên, khác địa phương cùng có mặt. Do đó, đề nghị Khoản 3 Điều 34 nên quy định cụ thể hơn, có thể điều chỉnh như sau: Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh của địa phương đó có mặt tại nơi xảy ra sự cố, tai nạn, người chỉ huy cứu nạn, cứu hộ quy định tại Khoản 2 Điều này chỉ huy lực lượng thuộc quyền tham gia, phối hợp thực hiện hoạt động cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng phòng cháy chữa cháy -0
ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận). Ảnh: Quang Khánh

Về thành lập lực lượng quản lý dân phòng được quy định tại Khoản 1, Điều 41, ĐBQH Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cho rằng, qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội và tổng kết thi hành pháp luật về PCCC và CNCH cho thấy, tổ chức và hoạt động của lực lượng dân phòng đã và đang bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả hoạt động chưa cao; nhiều đội dân phòng chỉ hoạt động mang tính hình thức, tổ chức chữa cháy ban đầu lúng túng và kém hiệu quả. Bởi bản chất lực lượng này là lấy từ lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương cấp tỉnh. Do đó, dự thảo luật cần làm rõ quy định về hoạt động, tập huấn và kinh phí cho lực lượng thế nào. Đồng thời, đối với cấp xã thành lập đội dân phòng PCCC thì ai quản lý, hướng dẫn quản lý nghiệp vụ chuyên môn là ai?

Quang Khánh
#