Chú trọng “phòng cháy” hơn “chữa cháy”

- Thứ Tư, 19/06/2024, 17:35 - Chia sẻ

Chiều 19.6, thảo luận tại Tổ 6 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai góp ý vào Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các đại biểu đề nghị cần chú trọng nội dung “phòng cháy” hơn “chữa cháy” trong Dự án Luật; đồng thời, thay đổi phương thức tuyên tuyên truyền, thậm chí cho phép lực lượng phòng cháy, chữa cháy phát báo động giả để kiểm tra phản ứng của người dân.

Tập trung vào một lực lượng thống nhất

Đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các đại biểu cũng nhấn mạnh đây là Dự án Luật được cử tri, Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ thiệt hại về tài sản, mà còn kéo theo chết người liên tiếp xảy ra trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua.

Chú trọng nội dung “phòng cháy” hơn “chữa cháy”  -0
ĐBQH Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) phát biểu

Một số ý kiến cho rằng, Dự án Luật cần chú trọng đến nội dung “phòng cháy” hơn “chữa cháy”. Theo đó, cần bổ sung công tác huy động lực lượng tuyên truyền tình nguyện. Các nội dung phải thể hiện được phòng cháy là quan trọng hàng đầu; bổ sung thêm các biện pháp phòng cháy. Đồng thời, cần có những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt nghiêm minh đối với phòng cháy tại các khu tập trung đông dân cư có đặc thù do lịch sử để lại như nhà trọ mini, chung cư mini, khu tập thể, xưởng sản xuất... nằm sâu trong ngõ nhỏ, xe chữa cháy chuyên dụng chưa thể tiếp cận được.

Chú trọng nội dung “phòng cháy” hơn “chữa cháy”  -0
ĐBQH Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) phát biểu

Liên quan đến lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) cho rằng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy đồng thời là lực lượng cứu nạn, cứu hộ. Do đó, cần tập trung vào một lực lượng thống nhất để bảo đảm cơ chế huy động lực lượng. Đồng thời, cũng không nên tách bạch giữa cứu nạn, cứu hộ do thiên tai hay cứu nạn, cứu hộ do hỏa hoạn.

Về phòng cháy đối với nhà ở tại Điều 17 của Dự thảo Luật, đề nghị cần tách thành 2 điều riêng: 1 điều quy định về phòng cháy đối với nhà ở; 1 điều quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh, trong đó phải gia cố hơn nữa, thể hiện rõ trách nhiệm của chủ nhà, trách nhiệm của chính quyền địa phương, thậm chí là trách nhiệm của tổ dân phố- cánh tay nối dài của chính quyền cơ sở trong công tác cảnh báo, kiểm soát, giám sát nhằm phòng cháy, chữa cháy.

Chú trọng nội dung “phòng cháy” hơn “chữa cháy”  -0
ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho ý kiến về Dự án Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thay đổi phương thức tuyên truyền

Về biện pháp phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng, từ một số vụ cháy đã xảy ra thời gian vừa qua cho thấy, nguyên nhân cốt lõi vẫn là công tác tuyên truyền, tập huấn về phòng cháy, chữa cháy. Do đó, cần thay đổi phương thức, thậm chí cho phép lực lượng phòng cháy, chữa cháy phát báo động giả để kiểm tra phản ứng của người dân. Bởi lẽ, sự cố cháy nổ không bao giờ báo trước để chúng ta tránh, và người dân phải trải nghiệm thì mới hình thành kỹ năng, phòng khi cháy thật xảy ra mới kịp thời phản ứng. Đồng thời, tăng cường giáo dục đối với thế hệ nhi đồng, thanh, thiếu niên trong các trường, cơ sở giáo dục để hình thành kỹ năng sinh tồn và kịp thời phản ứng với sự cố.

Chú trọng nội dung “phòng cháy” hơn “chữa cháy”  -0
ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) phát biểu

Góp ý cụ thể vào Dự án Luật này, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) bày tỏ quan điểm: quy định trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tại Điều 8, đề nghị bổ sung cụm từ “Tổ quốc Việt Nam” trước cụm từ “... các tổ chức thành viên của Mặt trận” để bảo đảm đúng tên gọi theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể sửa lại là: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên cạnh đó, bổ sung cụm từ “Tổ quốc Việt Nam” vào trước cụm từ “trong phạm vi nhiệm vụ…”; bỏ cụm từ “vận động” trong cụm từ “vận động, giám sát, phản biện xã hội...”, thay cụm từ “giải quyết” bằng cụm từ “khắc phục” để phù hợp với tên Điều 30. Cụ thể sửa lại là: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; giám sát, phản biện xã hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ khắc phục hậu quả sau các vụ cháy, sự cố, tai nạn”.

Về quy định các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 11, đại biểu Tráng A Dương đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định thành 1 Khoản trong Điều cho đầy đủ và dễ thực hiện, cụ thể: “Các hành vi khác gây ảnh hưởng đến hoạt động Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.

Đối với quy định về nguồn nước, chất chữa cháy tại Khoản 1 Điều 26, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung cụm từ “vật liệu” vào trước cụm từ “chữa cháy” cho đầy đủ với nội dung của Điều, cụ thể: “1. Khi có cháy, mọi nguồn nước, chất, vật liệu chữa cháy phải được ưu tiên sử dụng cho chữa cháy”.

Về quy định ngân sách đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cửu nạn, cứu hộ tại Điều 55, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần quy định rõ ràng cho việc các đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước sử dụng nguồn ngân sách như thế nào để phục vụ hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trọng Hiếu - Khánh Duy
#