ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa):

Cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang

- Thứ Bảy, 27/05/2023, 15:24 - Chia sẻ

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân, đại biểu Phạm Thị Xuân cho rằng: Việc nâng tuổi phục vụ của công an nhân dân, hạ sĩ quan, sĩ quan công an theo tiến trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động là cần thiết. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang.

ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa): Cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang -0
ĐBQH Phạm Thị Xuân (Thanh Hóa) phát biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân

Theo đại biểu Phạm Thị Xuân, tại Khoản 2, Điều 1 sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 23 Luật Công an Nhân dân, cần cân nhắc rà soát kỹ các tiêu chí, tiêu chuẩn lập thành tích đặc biệt xuất sắc, làm rõ khái niệm công tác để tránh trùng lặp; cân nhắc bỏ tiêu chí “học tập” để bảo đảm tính khả thi đối với chức năng, nhiệm vụ chính của lực lượng công an nhân dân được quy định tại Điều 3, Luật Công an Nhân dân năm 2018. Bên cạnh đó, cùng với việc giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn như trên, đề nghị cân nhắc việc giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chí tiêu chuẩn được xét thăng cấp, hàm trước thời hạn cho cấp úy và cấp tá để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện chế độ chính sách của toàn lực lượng Công an Nhân dân.

Đối với Khoản 4, Điều 1 sửa đổi bổ sung Điều 30 Luật Công an Nhân dân, đại biểu Phạm Thị Xuân cũng cho rằng: Việc nâng tuổi phục vụ của công an nhân dân, hạ sĩ quan, sĩ quan công an theo tiến trình tăng tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ Luật Lao động là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc kỹ tuổi phục vụ cho phù hợp với tính chất lao động đặc biệt của lực lượng vũ trang. Làm rõ việc quy định thời điểm tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất tính từ ngày 1.1.2021- thời điểm trước khi Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) lần này có hiệu lực để bảo đảm tính thống nhất với Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Vì Luật Ban Hành Văn bản QPPL quy định rõ hiệu lực trở về trước của văn bản QPPL như sau: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản QPPL của các cơ quan Trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước”.  

Tại Điểm C, Khoản 4, Điều 1 sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 30 Luật Công an Nhân dân, đại biểu Phạm Thị Xuân đề nghị cân nhắc, làm rõ quy định tại khoản 3, Điều 30 về trường hợp đặc biệt. Cụ thể, đặc biệt ở đây là như thế nào? Thời gian kéo dài hơn 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ tối đa là thêm bao nhiêu năm? Cấp nào có thẩm quyền quyết định kéo dài đề làm cơ sở cho việc thực hiện luật khi có hiệu lực?

Đào Cảnh
#