Đoàn ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai thảo luận tổ

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

- Thứ Bảy, 08/06/2024, 12:45 - Chia sẻ

Ngày 8.6, thảo luận tại Tổ 6 về Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung đề ra, đồng thời nhấn mạnh cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của Luật với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) tham gia ý kiến vào Luật Công đoàn (sửa đổi)

Các đại biểu tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn hiện hành nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thời gian qua. Đồng thời, thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nhất là đáp ứng hoạt động của tổ chức công đoàn trong thời kỳ mới.

Đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đề xuất lựa chọn phương án 1 về quy định quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn tại Điều 5 Dự thảo Luật. Bởi quy định như phương án 1 sẽ phù hợp với quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, đồng thời, cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đoàn ĐBQH Hà Giang tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Khánh Duy

Về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10 Dự thảo Luật đã quy định 6 hành vi, theo đại biểu Lý Thị Lan, nhằm tránh các hành vi khác có thể xảy ra, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định thành 1 khoản, cụ thể: “Các hành vi khác theo quy định của pháp luật”. 

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) tham gia ý kiến. Ảnh: Khánh Duy

Đề cập đến vấn đề phản biện xã hội của công đoàn tại Khoản 1, Điều 17, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) đề nghị cân nhắc việc giao công đoàn chủ trì phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất với Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, bảo đảm nguyên lý tập trung, thống nhất phản biện xã hội chỉ giao tập trung cho một tổ chức chính trị - xã hội duy nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đóng góp ý kiến. Ảnh: Khánh Duy

Cho ý kiến về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đại biểu Lê Hoàng Hải cho rằng, đây là quy định mới được bổ sung tại Điều 6 Dự thảo Luật. Việc bổ sung quy định này là cần thiết. Song để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực nếu có, cần có thêm điều kiện để gia nhập. Theo đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi gia nhập Công đoàn Việt Nam phải được thành lập và hoạt động hợp pháp; tự nguyện và tán thành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đồng thời, khi gia nhập phải chấm dứt tư cách pháp nhân, thành viên của tổ chức này trở thành đoàn viên công đoàn, không có điều lệ riêng mà hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Mặt khác, khi trở thành đoàn viên công đoàn, cán bộ công đoàn và đoàn viên có thể bị khai trừ khỏi tổ chức công đoàn theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Giao quyền chủ động bố trí nguồn đối ứng đối với các tỉnh miền núi

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) tham gia ý kiến. Ảnh: Khánh Duy

Liên quan đến chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2030, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) đề nghị, làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn cụ thể đối với các thiết chế như: không gian văn hóa, sáng tạo; không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa cộng đồng; không gian triển lãm nghệ thuật. Đồng thời, cần mở rộng quy mô của Chương trình bao gồm tất cả các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, các thôn, ấp, tổ dân phố/tổ dân cư trên phạm vi cả nước; một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Bàn về nguồn vốn thực hiện Chương trình, đại biểu Lý Thị Lan đề nghị xem xét không quy định tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương đối với những tỉnh còn nghèo, khó khăn như các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên, mà thay vào đó giao cho các địa phương chủ động bố trí nguồn đối ứng thực hiện theo khả năng. Đồng thời, xem xét làm rõ một số mục tiêu để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện giám sát Chương trình.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) tham gia ý kiến

Đại biểu Lý Thị Lan nhấn mạnh, đây cũng là một Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cần quy định cơ chế lồng ghép, kết hợp nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia (nếu có); giữa các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện Chương trình theo quy định; cơ chế huy động các nguồn lực khác; việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn thực hiện Chương trình giống như cơ chế đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang triển khai thực hiện.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) tham gia ý kiến vào Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: Khánh Duy

Giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên

Đóng góp ý kiến Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành. Các đại biểu cho rằng, quán triệt quan điểm, mục tiêu về hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Đồng thời, thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc, thì việc xây dựng một đạo luật hoàn chỉnh, quy định thống nhất, toàn diện các vấn đề về tư pháp người chưa thành niên nhằm sửa đổi, bổ sung chính chính pháp luật về tư pháp người chưa thành niên, bảo đảm tính tương đồng với thông lệ và pháp luật quốc tế là việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6. Ảnh: Khánh Duy

Theo đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang), người chưa thành niên là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng sống. Vì vậy, khi đối diện với các sự kiện pháp lý, các mâu thuẫn trong cuộc sống, các em thường chưa biết xử sự đúng đắn, phù hợp với pháp luật; dễ bị lôi kéo, kích động thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; không có đủ hiểu biết và kỹ năng để tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm hại. Do đó, công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em không phải là nhiệm vụ của một cơ quan, một bộ ngành nào, mà là nhiệm vụ chung cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Nhất trí với phương án cần giảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt đối với người chưa thành niên, đại biểu Hoàng Ngọc Định cho rằng, nên quy định trong Dự thảo luật là đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội thì không quá 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thì không quá 9 năm tù, trừ trường hợp người chưa thành niên phạm các tội sau đây: Tội giết người; tội hiếp dâm; tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi; tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; tội sản xuất trái phép chất ma túy. Quy định theo hướng này sẽ bảo đảm mức hình phạt và tổng hợp hình phạt phù hợp với người chưa thành niên; vừa bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và an toàn cho cộng đồng.

Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật -0
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) tham gia ý kiến

Liên quan đến thời hạn tố tụng, đại biểu Định nêu quan điểm, cần rút ngắn thời hạn tố tụng đối với vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội theo hướng thời hạn điều tra, thời hạn quyết định việc truy tố, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm không quá một phần hai thời hạn tương ứng được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, trừ trường hợp vụ án có tính chất phức tạp. Nếu quy định theo hướng này sẽ bảo đảm nguyên tắc giải quyết nhanh chóng, kịp thời; hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ thủ tục tố tụng hình sự đến người chưa thành niên; khắc phục bất cập của thực tiễn hiện nay khi thời hạn điều tra, truy tố vẫn còn và chưa kết thúc vụ án, nhưng thời hạn tạm giam đã hết vẫn phải trả tự do cho người chưa thành niên.

Trọng Hiếu
#