Nhịp cầu

Cấp thiết ban hành nghị quyết mới về sắp xếp dân cư miền núi

- Chủ Nhật, 11/07/2021, 06:38 - Chia sẻ
Qua 4 năm (2017 - 2020) thực hiện cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc; đồng thời cần có một cơ chế mới để thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 cho phù hợp với tình hình mới. Để việc thực hiện cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư được liên tục, không bị gián đoạn, nhất là hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư cho các hộ dân vùng thiên tai nhằm bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão sắp đến, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần thiết phải trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết mới về sắp xếp dân cư vùng miền núi của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để thay thế cho Cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư quy định tại Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, Nghị quyết số 31/2018/NQ-HĐND.

Theo Dự thảo Đề án sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, mục tiêu đặt ra là: tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi. Đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn miền núi của tỉnh.

Cũng theo Dự thảo Đề án, UBND tỉnh xác định rõ các nguyên tắc thực hiện. Đó là, sắp xếp, bố trí dân cư phải gắn với đất sản xuất và phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác trên địa bàn; ưu tiên bố trí ổn định dân cư để phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, trong đó các hộ có nguy cơ cao hơn thì được ưu tiên thực hiện trước. Bố trí ổn định dân cư phải bảo đảm phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, trên cơ sở nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư; bảo đảm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ an ninh quốc phòng, môi trường sinh thái; bảo đảm kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất. Phạm vi sắp xếp, bố trí dân cư chủ yếu trên địa bàn xã; bố trí dân cư theo hình thức xen ghép là chủ yếu.

Có thể thấy, qua 4 năm thực hiện Cơ chế hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư, đã có 6.905 hộ tham gia thực hiện sắp xếp dân cư, trong đó có 2.914 hộ dân vùng thiên tai cần phải di dời khẩn cấp. Tuy nhiên, cùng với một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, diễn biến thiên tai, đặc biệt là bão, lũ (lũ ống, lũ quét), sạt lở đất (nhất là sạt lở đất núi) thời gian qua trên địa bàn miền núi của tỉnh Quảng Nam diễn biến rất phức tạp, khó lường; nhu cầu bố trí dân cư trên địa bàn miền núi còn nhiều, trong đó có gần 2.400 hộ vùng thiên tai cần phải di dời khẩn cấp, bố trí sắp xếp để bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Vì vậy, việc ban hành nghị quyết mới để sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư miền núi của tỉnh trong thời gian tới là rất cấp thiết, phù hợp yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của đông đảo người dân trên địa bàn.

ĐẶNG HỮU