Nhịp cầu

Cần hỗ trợ kịp thời cho lao động tự do bị mất việc

- Chủ Nhật, 25/07/2021, 06:48 - Chia sẻ

Ngày đầu tiên thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường, quyết liệt phòng chống làn sóng thứ tư của dịch bệnh Covid-19, mặc dù vẫn còn có những ý kiến khác nhau, nhưng nhìn chung hầu hết người dân Thủ đô đều đồng tình cao với quyết định dứt khoát của thành phố. Tất cả đều chung mong muốn thành phố sớm có thể chặn đứng được đà lây lan ngày càng nhanh của dịch bệnh trong những ngày gần đây với số ca ngày càng tăng, đặc biệt là có nhiều ca trong cộng đồng chưa truy vết được nguồn lây. Những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ trong lúc này là thực sự cần thiết đối với việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, dường như thấu hiểu việc quyết định giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ của thành phố có hiệu lực ngay tức thì khiến nhiều người, nhất là những hộ kinh doanh nhỏ, thuộc những mặt hàng không thiết yếu không kịp trở tay nên trong buổi sáng ngày đầu tiên thực hiện, lực lượng chức năng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở, tạo điều kiện để các tiểu thương “giải tỏa” nốt những hàng hóa đã chót lên kệ từ hôm trước. Đó chính là tình người trong mùa dịch. Việc thực hiện ngay giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ của thành phố đã không tạo ra quá nhiều khoảng thời gian trống để tạo lên một “làn sóng” tháo chạy ở các cửa ngõ Thủ đô trước giờ giãn cách, gây nguy cơ lây lan dịch ra các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, cũng chính vì thế là một lượng không nhỏ lao động tự do sẽ bị “mắc kẹt” giữa Thủ đô trong những ngày giãn cách tiếp theo. Sáng 24.7, chị Nguyễn Thị H với xe hàng hoa trên phố đang bán vội những bó hoa buổi sớm để còn kịp về quê. Khi được hỏi, thành phố thực hiện giãn cách từ 6h sáng nay rồi, chị về quê sao được. Chị đứng lặng, đôi mắt đỏ hoe. Chắc hẳn, sau khoảng lặng đó chất chứa biết bao lo lắng. Về quê thì không được, trốn về không những vi phạm pháp luật mà còn nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng. Ở lại Thủ đô thì lấy gì mưu sinh trong những ngày giãn cách tiếp theo?

Cuộc chiến với giặc Covid-19, nhất là với những biến chủng mới vô cùng nguy hiểm bởi tốc độ lây lan rất nhanh có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức trách nhiệm, sự đồng thuận và hợp tác của mỗi người dân. Bên cạnh đẩy mạnh nguồn cung để bảo đảm dồi dào nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân, bảo đảm bình ổn giá, nhất là trong những ngày giãn cách; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, thiếu ý thức trong phòng chống dịch để tăng tính răn đe của pháp luật, rất cần ngay những chính sách an sinh, hay chỉ là những hỗ trợ kịp thời cho những đối tượng yếu thế bị tác động, nhất là những lao động tự do bị mất việc do thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách. Điều này không chỉ tăng cường công tác an sinh, thể hiện tính nhân văn, tình người giữa mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng để họ yên tâm thực hiện nghiêm các quy định giãn cách, đồng lòng để thành phố sớm khống chế được dịch bệnh.

SONG NGUYÊN