"Ý dân" trong xây dựng luật

- Thứ Tư, 31/03/2021, 06:39 - Chia sẻ
Trong nhiệm kỳ Khóa XIII, Quốc hội đã phải ban hành một nghị quyết bất thường cho tạm dừng Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 ngay sau khi ban hành và luật chưa có hiệu lực thi hành. “Đó là tiền lệ chưa bao giờ có trong lịch sử lập pháp của đất nước”, TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết tại phiên họp sáng 29.3 của Quốc hội.

Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định các điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhằm hạn chế người lao động rút quỹ bảo hiểm hưu trí khi đang có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội. Nhiều năm nay, ông Bùi Sỹ Lợi vẫn luôn canh cánh về quyết định “chẳng đặng đừng” này. Lý do là bởi đây là quy định rất nhân văn, nhằm bảo vệ người lao động tham gia bảo hiểm đến khi về già được hưởng lương hưu, bảo hiểm y tế và trợ cấp tử tuất, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội. Nhưng do người lao động không hiểu rõ, đã phản ứng, dẫn đến một số công ty, doanh nghiệp đình công, buộc Quốc hội phải ngồi xem xét và ban hành Nghị quyết số 93 năm 2015 về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần.

Và điều khiến ông Bùi Sỹ Lợi cùng rất nhiều đại biểu Quốc hội Khóa XIII lo ngại đã trở thành hiện thực: Năm 2016 đã có hơn 600 nghìn người có quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Và sau đó, con số này đã tiếp tục tăng lên: Năm 2018, có 880 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; đến năm 2020, con số này đã lên tới hàng triệu và số người tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội với số người ra khỏi hệ thống đã gần như bằng nhau. Nhiều người sau khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì cuộc sống hiện tại cũng rất khó khăn, chưa kể đến sau này. “Điều này rất đáng suy nghĩ cho hệ thống an sinh xã hội lâu dài của đất nước”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho biết và tha thiết đề nghị Quốc hội trong nhiệm kỳ tới cần xem xét để “cho sống lại” Điều 60 theo đúng tinh thần của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Câu chuyện về Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho đến nay vẫn mang tính thời sự không chỉ ở nội dung chính sách mà còn ở góc độ xây dựng và thực thi chính sách. Bởi việc người dân, nói chính xác hơn là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách chưa có đủ thông tin để hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chính sách có một phần do công tác tuyên truyền, phổ biến đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Nhưng sâu xa hơn là bởi, người dân chưa được tham gia một cách đầy đủ vào quy trình xây dựng chính sách, nhất là khâu soạn thảo chính sách.

Dù Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật đã thiết kế một quy trình chặt chẽ để bảo đảm các dự thảo chính sách phải được lấy ý kiến rộng rãi, được bàn thảo công khai, minh bạch, được soi chiếu ở những chiều cạnh khác nhau để đạt tới sự hài hòa giữa quản lý nhà nước, quyền lợi của người dân/đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và lợi ích của xã hội... Nhưng thực tế cho thấy, việc đưa “ý dân” vào chính sách ngay từ khâu dự thảo vẫn còn nhiều hạn chế. Việc đối thoại, giải trình tường minh các vấn đề mà người dân/đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự thảo chính sách, dự thảo luật đặt ra cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Trong hai ngày thảo luận về công tác nhiệm kỳ Khóa XIV của Quốc hội và Chính phủ vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra phải kiên quyết trả lại cơ quan soạn thảo, không trình ra Quốc hội những dự án luật không bảo đảm chất lượng, chưa đánh giá thấu đáo tác động, chưa lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu sự tác động... Thực tế cho thấy, đã có khá nhiều dự án luật được cơ quan thẩm tra của Quốc hội trả lại trong nhiệm kỳ này. Nhưng sự kiên quyết đó cũng có hệ lụy. Đó là, một số lĩnh vực quản lý nhà nước thực sự gặp khó khăn khi khuôn khổ pháp lý chưa được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành kịp thời, thậm chí sẽ là những lỗ hổng pháp lý gây thiệt hại lớn về quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp. Đơn cử như với dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), dự án Luật Đất đai (sửa đổi)... mà nhiều đại biểu đã đề cập. Vậy nên, dù có quyền và thậm chí, được khuyến khích thực hiện quyền từ chối một dự luật không bảo đảm chất lượng thì các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cũng luôn phải đấu tranh và không dễ dàng quyết định. 

Những nỗ lực lập pháp có thể bị vô hiệu hóa nếu người dân, đối tượng chịu sự tác động không có đủ thông tin, không thực sự được tham gia vào quá trình xây dựng chính sách. Vì thế, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật - vốn còn khá hình thức, chưa thực sự hiệu quả - thì căn cơ hơn chính là bảo đảm dân chủ trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật để người dân được biết, được bàn, được nêu quan điểm, kiến nghị, được các cơ quan liên quan giải trình, được giám sát việc xây dựng chính sách pháp luật. Khuôn khổ pháp lý cho việc này đã có nhưng chúng ta vẫn thiếu một cơ chế hiệu quả để bảo đảm những yêu cầu này được tuân thủ chặt chẽ trong thực tiễn. 

Nguyễn Bình