“Xứng với tên gọi Thăng Long!”

- Thứ Hai, 12/10/2020, 06:50 - Chia sẻ
Khai mạc sáng nay, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ với người dân thành phố mà còn với người dân cả nước, bởi Hà Nội là Thủ đô, là bộ mặt của quốc gia.

Cũng như Đại hội Đảng của 62 tỉnh, thành còn lại, Đại hội Đảng của TP Hà Nội sẽ đánh giá những kết quả đạt được sau một nhiệm kỳ, rút ra các bài học kinh nghiệm quý báu; từ đó vạch ra đường hướng phát triển trong 5 năm tiếp theo. Việc này cần được tiến hành thật chính xác và cặn kẽ, đồng thời phải gắn liền với bối cảnh thời sự và dự đoán về tình hình những năm tới, mới có thể tìm đúng hướng đi và đề xuất được những giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm làm cho cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn.

Nhưng ở một khía cạnh khác, bởi Hà Nội là Thủ đô của đất nước, nên như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng: “Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác”. Cụ thể, “nói đến Hà Nội là nói đến yêu cầu phát triển toàn diện”. Theo đó, “Hà Nội phải là trung tâm kinh tế lớn, nhưng cái lớn hơn, Hà Nội phải là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa, nơi tiêu biểu của nền văn hóa của dân tộc Việt Nam”.

Yêu cầu khách quan này đòi hỏi Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải tạo ra bước chuyển biến mới.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội cũng xác định Hà Nội không cạnh tranh trong nước mà vươn ra cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Hà Nội đặt mục tiêu năm 2025 trở thành thành phố có sức cạnh tranh cao trong khu vực, năm 2030 ở tầm châu lục và đến năm 2045 là thành phố kết nối toàn cầu. Tương ứng với lộ trình trên, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 GRDP bình quân đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD, năm 2030 là 12.000 - 13.000 USD và năm 2045 đạt trên 36.000 USD.

Đây rõ ràng là mục tiêu đầy tham vọng, khi GRDP bình quân đầu người của Hà Nội dự kiến mới chỉ đạt 5.700 USD vào cuối năm nay. Để đạt được, Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội sẽ phải bàn bạc thật kỹ lưỡng, làm rõ chặng đường phát triển. Từ đó xác lập các vấn đề, ưu tiên cụ thể, “phải chọn ra việc gì làm trước việc gì làm sau, thể hiện rõ quy hoạch, tầm nhìn và trí tuệ” và các bước đi, cách làm phù hợp cho đường hướng của mình để “xứng đáng với tên gọi Thăng Long (rồng bay lên)”, như lời Tổng Bí thư.

Như vậy, ba khâu đột phá nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị phải được thảo luận - không chỉ với bối cảnh hiện tại mà phải đặt trong tầm nhìn dài hạn. Đó là tiếp tục đầu tư vào hệ thống kết cấu hạ tầng, bao gồm hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất; hạ tầng kinh tế - xã hội, công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số. Khâu đột phá thứ hai là về thể chế, tăng cường phân cấp, ủy quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo để phát huy hết nguồn lực, sự năng động của chính quyền cơ sở. Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với áp dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đưa khoa học - công nghệ thành động lực phát triển gắn với kinh tế số; xác định đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành một nguồn lực quan trọng mang tính quyết định đến sự phát triển của Thủ đô.

Điều quan trọng là khát vọng và tâm huyết phát triển Hà Nội từ Đại hội Đảng bộ thành phố phải được lan tỏa tới từng cán bộ, đảng viên và người dân... Phải với sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân mới có thể xây dựng Hà Nội thành trung tâm chính trị, trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa của đất nước.

Hà Lan