Xứng với sự tin cậy của Nhân dân

- Thứ Ba, 05/01/2021, 07:22 - Chia sẻ
“Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà Nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, 75 năm trước, ngày 5.1.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết như thế trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội.

Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng ấy, bằng ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được, toàn thể Nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn ngày 6.1.1946 đi bỏ phiếu, trực tiếp lựa chọn, bầu ra 333 đại biểu là những người tiêu biểu về tài, về đức, về bản lĩnh và trách nhiệm, tham gia Quốc hội, thay mặt Nhân dân gách vác công việc của đất nước. Thông qua đó, Nhân dân Việt Nam đã trao cho Quốc hội trọng trách ban hành Hiến pháp và lập nên các thiết chế của Nhà nước dân chủ nhân dân.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định tính chính danh, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập. Ngay trong năm 1946, khi vừa được bầu, Quốc hội đã có những hành động quyết liệt để đoàn kết, thống nhất dân tộc, chống thù trong, giặc ngoài, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng. Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên, ghi nhận và khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là một Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, tất cả quyền bính đều thuộc về Nhân dân. 

75 năm với 14 nhiệm kỳ, Quốc hội đã không ngừng lớn mạnh, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Chỉ tính riêng trong hoạt động lập hiến, lập pháp, Quốc hội đã ban hành tới 5 bản Hiến pháp, 452 Bộ luật, luật, 727 nghị quyết và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 220 pháp lệnh. Cho đến nay, hầu như các lĩnh vực đều đã có luật điều chỉnh. Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp và tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự vận hành của toàn bộ đời sống xã hội với nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân, thúc đẩy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân... tương thích với chuẩn mực luật pháp quốc tế.

Hoạt động giám sát, đặc biệt là giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội từng có giai đoạn được ví như “cây kiểng” bởi còn hình thức thì đến nay, đã được cử tri và Nhân dân mong đợi, chờ đón, dõi theo với sự tin cậy bởi đó thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng, công khai và minh bạch. “Hậu” giám sát, “hậu” chất vấn của Quốc hội đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục tồn tại và thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu quả phục vụ Nhân dân.

Trong lĩnh vực quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã có biết bao công trình trọng điểm quốc gia, biết bao chính sách lớn, đóng vai trò then chốt đã được Quốc hội thông qua, tạo nền tảng cho sự phát triển trong các lĩnh vực trọng yếu của xã hội, thúc đẩy cải cách kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Với hoạt động đối ngoại, Quốc hội đã luôn chủ động và tích cực phát huy vai trò là kênh đối ngoại quan trọng, vừa mang tính đối ngoại Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân sâu sắc, đóng góp tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Với đặc thù của ngoại giao nghị viện, Quốc hội đã mang tiếng nói và lòng yêu chuộng hòa bình, mong muốn ổn định, hợp tác cùng phát triển của Nhân dân Việt Nam đến với Nhân dân các nước trên thế giới, từ đó, làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn, đúng hơn về Việt Nam, tăng cường tình đoàn kết quốc tế, chia sẻ và ủng hộ quan điểm, sự phát triển của Việt Nam.

Có thể nói rằng, kể từ khóa đầu tiên cho đến nay, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, nhiệm vụ nào, trong những hoàn cảnh khó khăn ra sao, Quốc hội vẫn luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, lợi ích của quốc gia dân tộc. Cùng với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự gắn bó máu thịt với cử tri và Nhân dân, Quốc hội đã có những đóng góp xứng đáng làm nên diện mạo, vị thế và cơ đồ của đất nước như ngày hôm nay.

Những thành tựu to lớn, những bài học kinh nghiệm sâu sắc mà Quốc hội đã đạt được, tổng kết được qua thực tiễn 75 năm phát triển chính là “tài sản” quý giá nhất. Tài sản ấy sẽ được trao truyền, kế thừa và không ngừng phát triển trong các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo. Mỗi giai đoạn phát triển của đất nước sẽ có những thuận lợi và khó khăn, thử thách đan xen. Sẽ không có một “mẫu số chung” cho sứ mệnh, hành động và cách thức làm việc của các khóa Quốc hội nhưng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, với trách nhiệm trước Nhân dân và đất nước, Quốc hội sẽ luôn tìm ra cách thức phù hợp để thực hiện ngày càng tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, luôn xứng đáng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân.

Hải Lam