Xung đột Ấn Độ - Pakistan: Cuộc thử lửa công nghệ quân sự Trung Quốc và phương Tây
Xung đột leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan có thể mang đến cho thế giới cái nhìn thực tế đầu tiên về hiệu quả công nghệ quân sự tiên tiến của Trung Quốc so với vũ khí đã được chứng minh của phương Tây.
Cổ phiếu của Công ty Máy bay Thành Đô (AVIC) của Trung Quốc đã tăng 40% trong tuần này, sau khi Pakistan tuyên bố nước này đã sử dụng máy bay chiến đấu J-10C do AVIC sản xuất để bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ - bao gồm cả máy bay Rafale tiên tiến do Pháp sản xuất - trong một trận không chiến diễn ra vào 7/5.

Ấn Độ chưa phản hồi các tuyên bố của Pakistan hoặc thừa nhận bất kỳ tổn thất máy bay nào. Trong khi đó, khi được hỏi về việc Pakistan sử dụng máy bay phản lực do Trung Quốc sản xuất, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông không nắm rõ tình hình.
Tuy nhiên, với tư cách là nhà cung cấp vũ khí chính của Pakistan, Trung Quốc có thể đang theo dõi chặt chẽ để tìm hiểu xem các hệ thống vũ khí của nước này đã và có khả năng hoạt động như thế nào trong thực chiến.
Mặc dù là một siêu cường quân sự đang trỗi dậy, Trung Quốc đã không tham gia bất kỳ một cuộc chiến tranh lớn nào trong hơn bốn thập kỷ qua. Nhưng dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, nước này đã chạy đua để hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đổ nguồn lực vào phát triển vũ khí hiện đại và công nghệ tiên tiến.
Bắc Kinh cũng hỗ trợ Pakistan, quốc gia từ lâu được Bắc Kinh ca ngợi là “người anh em sắt đá”, hiện đại hoá khí tài. Theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trong 5 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp 81% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan.
Những mặt hàng xuất khẩu này bao gồm máy bay chiến đấu tiên tiến, tên lửa, radar và hệ thống phòng không mà các chuyên gia cho rằng sẽ đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào. Một số vũ khí do Pakistan sản xuất cũng được phát triển chung với các công ty Trung Quốc hoặc được chế tạo bằng công nghệ và chuyên môn của Trung Quốc.
Ông Sajjan Gohel, Giám đốc An ninh quốc tế tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại London, cho biết: "Điều này khiến bất kỳ mối quan hệ nào giữa Ấn Độ và Pakistan trở thành môi trường thử nghiệm thực tế cho hoạt động xuất khẩu quân sự của Trung Quốc".
Quân đội Trung Quốc và Pakistan cũng tham gia vào các cuộc tập trận chung trên không, trên biển và trên bộ ngày càng phức tạp, bao gồm cả mô phỏng chiến đấu và thậm chí là các cuộc tập trận trao đổi phi hành đoàn.
“Đây không còn chỉ là cuộc đụng độ song phương nữa; đây là cái nhìn về cách hoạt động xuất khẩu quốc phòng của Trung Quốc có thể định hình lại khả năng răn đe trong khu vực như thế nào".
Sự thay đổi đó – được chú ý hơn sau tình trạng leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan – cho thấy xu hướng địa chính trị rộng lớn hơn trong khu vực đang được tái sắp xếp, với việc Trung Quốc nổi lên như một thách thức lớn đối với ảnh hưởng của Mỹ.
Nguồn gốc khí tài của hai nước
Ấn Độ và Pakistan đã ba lần chiến tranh nóng do tranh chấp ở Kashmir kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947. Trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô ủng hộ Ấn Độ, trong khi Hoa Kỳ và Trung Quốc ủng hộ Pakistan. Bây giờ, một kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang nổi lên trong cuộc xung đột kéo dài giữa các nước láng giềng Nam Á có vũ khí hạt nhân.
Bất chấp chính sách không liên kết truyền thống của mình, Ấn Độ đang ngày càng xích lại gần Hoa Kỳ hơn, khi các chính quyền Mỹ nhìn nhận gã khổng lồ Nam Á đang trỗi dậy này như một đối trọng chiến lược với Trung Quốc. Ấn Độ đã tăng cường mua vũ khí từ Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này, bao gồm Pháp và Israel, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
Trong khi đó, Pakistan đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, trở thành "đối tác chiến lược trong mọi điều kiện" và là bên tham gia chính trong dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình - Sáng kiến Vành đai và Con đường. Theo dữ liệu của SIPRI, Hoa Kỳ và Trung Quốc mỗi bên cung cấp khoảng một phần ba lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan vào cuối những năm 2000. Nhưng Pakistan đã ngừng mua vũ khí của Mỹ trong những năm gần đây và không ngừng bổ sung kho khí tài quân sự của mình bằng vũ khí của Trung Quốc.
Hơn một thập kỷ trước, Hoa Kỳ đã cáo buộc Pakistan không hành động đủ mạnh mẽ để chống lại "những kẻ khủng bố" - bao gồm cả các chiến binh Taliban. Mối quan hệ đồng minh giữa hai nước cũng nhạt đi nhiều sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
“Cuối cùng, Hoa Kỳ đã tìm thấy Ấn Độ, coi họ là đối tác thay thế trong khu vực. Kết quả là, Hoa Kỳ ít nhiều chấm dứt nguồn cung vũ khí cho Pakistan”, ông nói thêm.
Trung Quốc bày tỏ lấy làm tiếc về các cuộc tấn công quân sự của Ấn Độ vào Pakistan; đồng thời kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế. Trước tình hình leo thang mới nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Pakistan trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp, khẳng định Trung Quốc là "người bạn sắt đá" của Pakistan.
Cuộc thử nghiệm vũ khí
Với việc Pakistan được trang bị vũ khí chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ lấy hơn một nửa số vũ khí từ Hoa Kỳ và các đồng minh, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa hai nước láng giềng này cũng có thể trở thành cuộc đối đầu giữa công nghệ quân sự của Trung Quốc và phương Tây.
Sau nhiều tuần giao tranh sau vụ 26 du khách chủ yếu là người Ấn Độ bị các chiến binh giết hại tại một địa điểm ngắm cảnh trên núi ở Kashmir do Ấn Độ quản lý, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào sáng sớm 7/5 nhằm vào những nơi mà nước này cho là "cơ sở hạ tầng khủng bố" ở cả Pakistan và Kashmir do Pakistan quản lý.
Nhiều nhà phân tích tin rằng Ấn Độ đã phóng tên lửa và các loại đạn dược khác từ máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất và máy bay chiến đấu Su-30 do Nga sản xuất.
Trong khi đó, Pakistan đã khoe chiến thắng to lớn của lực lượng không quân nước này khi tuyên bố rằng 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ - ba chiếc Rafale, một chiếc MiG-29 và một chiếc Su-30 - đã bị các máy bay chiến đấu J-10C của Pakistan bắn hạ trong một trận chiến kéo dài một giờ mà nước này tuyên bố là có sự tham gia của 125 máy bay ở phạm vi hơn 160 km (100 dặm).
“Cuộc chiến này hiện đang được mô tả là cuộc giao tranh trên không dữ dội nhất giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”, Salman Ali Bettani, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Quaid-i-Azam ở Islamabad, cho biết. “Cuộc giao tranh này đánh dấu một cột mốc trong việc sử dụng các hệ thống tiên tiến có nguồn gốc từ Trung Quốc trên thực địa”.
Ấn Độ chưa thừa nhận bất kỳ tổn thất máy bay nào, và Pakistan vẫn chưa cung cấp bằng chứng để hỗ trợ cho tuyên bố của mình. Nhưng một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp cho biết ít nhất một trong những máy bay chiến đấu mới nhất và tiên tiến nhất của Ấn Độ - máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất - đã bị thiệt hại trong trận chiến.
Bilal Khan, người sáng lập công ty phân tích quốc phòng Quwa Group có trụ sở tại Toronto, cho biết: “Nếu được xác nhận, điều này cho thấy hệ thống vũ khí mà Pakistan đang sở hữu hiện đại hơn so với những gì Tây Âu (đặc biệt là Pháp) cung cấp”.
Cổ phiếu của Công ty Máy bay Thành Đô AVIC thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, nhà sản xuất máy bay chiến đấu J-10C của Pakistan, đã đóng phiên giao dịch với kiéc tăng cao hơn 17% trên sàn giao dịch Thâm Quyến vào ngày 7/5. Cổ phiếu của công ty này tiếp tục tăng thêm 20% ngày hôm sau.
J-10C là phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu đa năng một động cơ J-10 của Trung Quốc, được đưa vào sử dụng trong lực lượng không quân Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Với hệ thống vũ khí và thiết bị điện tử hàng không tốt hơn, J-10C được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ 4.5 - cùng cấp với Rafale nhưng thấp hơn một bậc so với máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, như J-20 của Trung Quốc hoặc F-35 của Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã giao lô J-10CE đầu tiên - phiên bản xuất khẩu - cho Pakistan vào năm 2022, đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin vào thời điểm đó. Hiện tại, đây là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Pakistan, cùng với JF-17 Block III, máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ 4,5 do Pakistan và Trung Quốc cùng phát triển.
Cơ hội "quảng cáo" sản phẩm vũ khí
Đại tá (đã nghỉ hưu) Zhou Bo, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho biết nếu máy bay J-10C do Trung Quốc sản xuất thực sự được sử dụng để bắn hạ máy bay Rafale do Pháp sản xuất, thì điều đó sẽ củng niềm tin to lớn vào hệ thống vũ khí của Trung Quốc".
Ông Zhou cho biết điều này sẽ "thực sự khiến mọi người phải ngạc nhiên" đặc biệt là khi Trung Quốc đã không tham gia chiến tranh trong hơn 4 thập kỷ. "Điều này có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ doanh số bán vũ khí của Trung Quốc trên thị trường quốc tế", ông nói.
Theo dữ liệu từ SIPRI, Hoa Kỳ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 43% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2020-2024. Con số này cao hơn bốn lần so với Pháp, nước đứng thứ hai, tiếp theo là Nga.
Trung Quốc hiện đứng thứ tư, với gần 2/3 lượng vũ khí xuất khẩu được chuyển đến một quốc gia duy nhất: Pakistan.
Bilal Khan đồng ý với quan điểm cho rằng vụ bắn hạ này, nếu được xác nhận, sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc, lưu ý rằng có khả năng sẽ thu hút sự quan tâm từ "các cường quốc ở Trung Đông và Bắc Phi" - những nước thường không thể tiếp cận "công nghệ tiên tiến nhất của phương Tây".
Ông cho biết: “Với việc Nga bị ảnh hưởng do cuộc chiến Ukraine, tôi chắc chắn rằng Trung Quốc đã bắt đầu tấn công mạnh vào các thị trường truyền thống của Moscow – ví dụ như Algeria, Ai Cập, Iraq và Sudan”.
Các chuyên gia ở Pakistan và Trung Quốc cho biết J-10C do Không quân Pakistan triển khai có thể đã được ghép nối với PL-15, tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Trung Quốc – được báo cáo có tầm bắn ngoài tầm nhìn là 200-300 km. Phiên bản xuất khẩu đã biết có tầm bắn giảm xuống còn 145 km.
Tuần trước, giữa lúc căng thẳng leo thang, Không quân Pakistan đã phát hành một video dài ba phút giới thiệu các máy bay chiến đấu của mình. Video có sự góp mặt của JF-17 Block III được trang bị tên lửa PL-15, mô tả chúng là "cú đấm mạnh mẽ của PAF".
Antony Wong Dong, một nhà quan sát quân sự tại Ma Cao, cho rằng, đây là lời quảng cáo hữu hiệu.
“Nó sẽ gây sốc cả những quốc gia như Hoa Kỳ — đối thủ của họ thực sự mạnh đến mức nào? Đây là câu hỏi mà tất cả các quốc gia có khả năng muốn mua máy bay chiến đấu của Mỹ, cũng như các đối thủ khu vực của Trung Quốc, sẽ cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc”.
Vũ khí không phải là tất cả
Nhưng một số chuyên gia đã bày tỏ sự thận trọng. Tổn thất của Ấn Độ, nếu được xác nhận, có thể xuất phát nhiều hơn từ chiến thuật và kế hoạch kém của Không quân Ấn Độ hơn là từ những tiến bộ được nhận thấy trong vũ khí của Trung Quốc.
Singleton, nhà phân tích tại Quỹ Quốc phòng Dân chủ, cho biết: "Rafale là máy bay hiện đại, nhưng chiến đấu là về sự tích hợp, phối hợp và khả năng sống sót — không chỉ là liên quan đến công nghệ".
Một chi tiết nữa không được tiết lộ là Ấn Độ có thông tin tình báo gì về PL-15.
Theo Fabian Hoffman, nghiên cứu viên chính sách quốc phòng tại Đại học Oslo, cho rằng,
trong những trường hợp như vậy, những đánh giá sai lầm của Ấn Độ có thể khiến vũ khí của Pakistan có vẻ hiệu quả hơn, Hoffman viết trên blog Missile Matters của mình.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các cuộc không kích của Ấn Độ đã thành công khi tấn công nhiều mục tiêu ở Pakistan - cho thấy tên lửa của nước này đã xuyên thủng hệ thống phòng không của Pakistan, được trang bị tên lửa đất đối không của Trung Quốc, bao gồm cả tên lửa tầm xa HQ-9B.
Gohel, chuyên gia quốc phòng tại London, cho biết: "Nếu hệ thống tên lửa hoặc radar có nguồn gốc từ Trung Quốc không phát hiện hoặc ngăn chặn được các cuộc tấn công của Ấn Độ, thì điều đó cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín vũ khí của Bắc Kinh".