Xúc tiến, quảng bá bài bản về du lịch nông nghiệp, nông thôn

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), du lịch nông nghiệp, nông thôn có nhiều tiềm năng phát triển, song việc truyền thông, quảng bá hiện nay vẫn tập trung vào du lịch biển đảo, văn hóa, đô thị và sinh thái. Để khai thác tốt tiềm năng của du lịch nông nghiệp, nông thôn, cần có chiến lược xúc tiến, truyền thông quảng bá bài bản đến du khách trong và ngoài nước.

Sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn rất đa dạng

- Ông đánh giá thế nào về việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian qua?

- Có thể nói, du lịch nông nghiệp, nông thôn đem lại lợi ích cho nền kinh tế và xã hội, môi trường, người dân địa phương và khách du lịch nói chung. Thông qua du lịch nông thôn, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương được tiêu dùng trực tiếp, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đem lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp, và giúp cho sinh kế của địa phương tốt hơn.

Văn hóa của Việt Nam dựa trên “nông thôn, nông nghiệp, lúa nước, xóm làng”; địa hình lại có cả biển, vùng đồng bằng, vùng núi, do đó các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn rất đa dạng.

Số liệu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho thấy, hiện cả nước có 488/1.731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó khoảng 80% điểm du lịch nằm ở nông thôn (382 điểm). Những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã tập trung khai thác thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương để tạo nên sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao.

Đơn cử như ở vùng núi Tây Bắc có các sản phẩm du lịch gắn với ruộng bậc thang. Ở miền Bắc hiện có nhiều tour du lịch nông nghiệp khai thác các hoạt động trồng, cấy lúa nước truyền thống, các nghề thủ công, trang trại chăn nuôi. Vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với các sản phẩm du lịch miệt vườn. Tại miền Trung và Tây Nguyên cũng có nhiều sản phẩm du lịch thể hiện tính đa dạng nông nghiệp như tour tham quan các khu vực trồng café, hồ tiêu, cao su... hay đến thăm các làng dân tộc thiểu số tại nhiều địa phương.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng khai thác sản phẩm du lịch dựa trên khu vực chuyên canh cây ăn quả, chè, cà phê, trồng hoa; kết hợp du lịch nông nghiệp với du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái…

- Ông đánh giá như thế nào về chính sách phát triển du lịch nông thôn hiện nay?

- Nhà nước đã có chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm này cũng hỗ trợ các sản phẩm du lịch như hàng thủ công mỹ nghệ, dược liệu, hàng hóa trưng bày, hàng hóa tiêu dùng khác... Việc kết nối sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là hướng đi cần thiết, bên cạnh việc giúp định vị điểm đến, gia tăng trải nghiệm cho du khách, thì vừa quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ, gia tăng giá trị cho sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, Luật Du lịch (2017) cũng là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Quyết định số 922/QĐ-TTg về Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã nêu rõ phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Hay, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng xem du lịch nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm để phát triển gắn với các sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng... Có thể nói, nền tảng chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn khá có hệ thống.

Mỗi cuộc trải nghiệm phải là một lần trở về nhà

- Dù có nhiều tiềm năng như vậy, theo ông, vì sao du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa phát triển mạnh?

- Phần lớn sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch ở mức cơ bản, du khách chủ yếu chi trả cho vé tham quan, ăn uống, lưu trú mà chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ bổ trợ.

Thực tế, nguồn lực của các địa phương đầu tư cho du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được chú trọng dẫn đến các điều kiện về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật (như ăn uống, nghỉ ngơi vui chơi giải trí...) ở các điểm du lịch nông thôn chưa được hoàn thiện. Bên cạnh đó, du khách Việt sẽ có xu hướng đến những nơi sang trọng, những thành phố lớn... dẫn đến việc các doanh nghiệp ít chú trọng phát triển du lịch nông thôn mặc dù tiềm năng lớn. Còn khách quốc tế lại chưa có nhiều điều kiện để biết nhiều về du lịch nông thôn Việt Nam.

Việc đào tạo nhân lực trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng chưa được bài bản. Những người làm du lịch đều có xuất phát điểm là những người nông dân, vẫn duy trì thói quen sinh hoạt trong gia đình; các kỹ năng giao tiếp, ứng xử hay nghiệp vụ phục vụ khách cũng như khả năng ngoại ngữ... còn nhiều hạn chế.

Câu chuyện truyền thông, quảng bá vẫn thiên nhiều về 4 dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch đô thị và du lịch sinh thái, chứ chưa có chiến lược xúc tiến, truyền thông quảng bá bài bản cho du lịch nông nghiệp nông thôn Việt Nam.

Nói về các sản phẩm du lịch - mặc dù khá đa dạng nhưng lại không có tính sáng tạo, còn trùng lặp. Việc hợp tác trong du lịch giữa các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, thực tế vấn đề này không chỉ hợp tác giữa các địa phương mà còn là hợp tác trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch.

- Vậy, để khai thác tốt tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn, theo ông cần chú trọng những vấn đề gì?

- Đầu tiên cần quan tâm, cải thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật (nơi lưu trú, cơ sở ăn uống, giải trí...); đầu tư mạnh vào các điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tiếp đến cần đào tạo nguồn nhân lực bài bản hơn; bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn cần có sự sáng tạo nhiều hơn.

Truyền thông quảng bá cũng rất quan trọng, phải để du khách thấy rằng mỗi chuyến đi trải nghiệm là một chuyến đi trở về nhà; ở đó khách du lịch được xem như người thân và được chào đón. Đặc biệt, cần tạo ra điểm nhấn cho các chương trình du lịch nông thôn. Những chương trình mùa vàng Tây Bắc, các chương trình gắn với sông nước miệt vườn ở đồng bằng sông Cửu Long, hay những chương trình gắn với nông thôn và con người vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng... cần được đầu tư truyền thông, quảng bá mạnh mẽ.

Quan trọng nhất, hiện nay du khách quan tâm nhiều đến loại hình du lịch xanh, thân thiện với môi trường. Do đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng phải chú trọng đến các yếu tố này, đấy là lựa chọn có tính lâu dài, bền vững.

Ngoài ra, chuyển đổi số đang là xu hướng xâm nhập sâu rộng trong mọi ngách của nền kinh tế, ngành du lịch cũng không thể nào đứng ngoài. Nhưng với du lịch nông thôn, việc ứng dụng chuyển đổi số dường như diễn ra còn chậm và chưa đồng đều. Chính vì vậy, cần có sự đồng hành hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả người nông dân.

- Xin cảm ơn ông!

Văn hóa - Thể thao

Huế tiên phong phát triển du lịch di sản xanh
Văn hóa

Huế tiên phong phát triển du lịch di sản xanh

Sáng 19.4, tại Quảng trường Ngọ môn Đại Nội Huế, diễn ra sự kiện đặc biệt “Huế - Tiên phong phát triển du lịch di sản xanh và thành phố xe đạp”. Sự kiện này mở ra hướng đi chiến lược cho phát triển du lịch di sản gắn với bảo tồn và phát triển bền vững của Huế.

Thưởng thức phở ngô Hà Giang tại Hà Nội
Văn hóa - Thể thao

Thưởng thức phở ngô Hà Giang tại Hà Nội

Món phở ngô độc đáo của người Mông ở Quản Bạ, Hà Giang đang được giới thiệu trong Festival Phở 2025, diễn ra từ ngày 18 - 20.4 tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. Với vị ngon đậm đà cùng màu vàng lạ mắt, phở ngô khiến nhiều thực khách muốn được thưởng thức.

“Đất nước trọn niềm vui” - Tấm lòng của văn nghệ sĩ Quân đội
Văn hóa - Thể thao

“Đất nước trọn niềm vui” - Tấm lòng của văn nghệ sĩ Quân đội

Tối 20.4 tại Hội trường Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt “Đất nước trọn niềm vui”, kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025). Theo Thiếu tướng, Nhạc sĩ NGUYỄN XUÂN THỦY, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, chương trình là khúc tráng ca khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sức mạnh và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta, khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Một buổi sinh hoạt Góc đọc cuối tuần tại NXB Kim Đồng. Ảnh: KĐ
Văn hóa - Thể thao

Kết nối tri thức - từ trang sách đến độc giả

Với nỗ lực không ngừng kiến tạo hệ sinh thái tri thức vững mạnh, các đơn vị xuất bản Việt Nam đã chủ động tổ chức nhiều chương trình giao lưu, giới thiệu, quảng bá sách. Những hoạt động này không chỉ là cầu nối giữa tác giả và độc giả, mà còn là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

"Giãn nở đa chiều" tại Muong Art Today Museum
Văn hóa - Thể thao

"Giãn nở đa chiều" tại Muong Art Today Museum

Sáng 19.4, tại không gian bảo tàng đương đại Muong Art Today Museum sẽ khai mạc trưng bày "Giãn nở đa chiều", quy tụ các tác phẩm có ngôn ngữ nghệ thuật đa dạng, thể hiện mối quan tâm bền bỉ và liên tục của nghệ sĩ với thay đổi nhanh chóng của đời sống thực tế.

Triển lãm ảnh Bình Thuận sau 50 năm giải phóng
Văn hóa - Thể thao

Triển lãm ảnh Bình Thuận sau 50 năm giải phóng

Chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 50 năm giải phóng tỉnh Bình Thuận (19.4.1975 - 19.4.2025), ngày 17.4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận khai mạc triển lãm ảnh, kết hợp trưng bày, giới thiệu sản phẩm thương mại - du lịch với chủ đề “Bình Thuận - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Chuỗi sự kiện về sở hữu trí tuệ trong âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Chuỗi sự kiện về sở hữu trí tuệ trong âm nhạc

Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4) với thông điệp toàn cầu “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, trọng tâm là lĩnh vực âm nhạc.