Xuất khẩu trực tuyến vẫn ở dạng tiềm năng

- Thứ Hai, 05/04/2021, 07:14 - Chia sẻ
Xuất khẩu qua các nền tảng thương mại là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế số và đã diễn ra nhanh hơn khi dịch Covid-19 xuất hiện. Tuy vậy, theo các chuyên gia, kênh xuất khẩu này vẫn đang ở dạng tiềm năng.

50 doanh nghiệp lên sàn Alibaba

Theo báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiết lập kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến.

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) và sàn thương mại điện tử Alibaba cũng đạt được thỏa thuận quan trọng về việc bán hàng Việt với mục tiêu đến năm 2024, có hơn 10.000 nhà cung cấp Việt Nam hoạt động thương mại điện tử trên Alibaba.com. Với sự hợp tác từ cuối năm 2020, hiện có 50 doanh nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử Alibaba.com thành công, đưa hàng hóa là nông sản, hải sản, thực phẩm chế biến đóng gói, đồ gỗ của Việt Nam ra thị trường thế giới. 

	Xuất khẩu trực tuyến vẫn ở dạng tiềm năng.
Xuất khẩu trực tuyến vẫn ở dạng tiềm năng.
Nguồn: ITN

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông, thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn giao dịch như Amazon, Alibaba, Lazada.. tạo ra cho doanh nghiệp cơ hội bán hàng trực tiếp ra nước ngoài, nhất là những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. "Phương thức này giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí tiếp cận thị trường bởi không phải sử dụng các khâu trung gian trong chuỗi xuất khẩu. Hơn nữa, quảng cáo online, xúc tiến thương mại online cũng hiệu quả hơn nhiều so với phương thức truyền thống".

Tuy vậy, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng xuất khẩu trực tuyến mới chỉ manh nha, vẫn chủ yếu ở dạng tiềm năng, bởi khả năng tiếp cận các nền tảng thương mại của doanh nghiệp Việt còn nhiều hạn chế. 

Đại diện Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú, đã hơn 10 năm bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia và một số quốc gia thuộc châu Âu, chia sẻ: Doanh nghiệp phải đối mặt nhiều vấn đề khi làm việc với khách hàng nước ngoài, như văn hóa, nhu cầu và thói quen tiêu dùng xa lạ, bất đồng ngôn ngữ. Cùng đó là hàng rào thuế quan, yêu cầu về quy tắc xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại…

Kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam với hơn 1.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tham gia xuất nhập khẩu cũng cho thấy, hiện chỉ có 49% có website về thương mại điện tử, 11% là tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, 2% chỉ thực hiện giao kết hợp đồng qua sàn giao dịch thương mại điện tử hoạt động.

Rủi ro pháp lý

Thực tế, việc hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài mới khởi động năm 2020 và bắt đầu tăng tốc trong năm nay. "Chúng ta có cả cơ hội và những hạn chế nên rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông nói. 

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, rủi ro lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt khi xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử là về pháp lý. Doanh nghiệp Việt chưa quen tuân thủ pháp lý và đặc biệt là bảo vệ lợi ích của khách hàng rất kém. Ví dụ, do dịch bệnh, nhu cầu khẩu trang tăng cao và trên thực tế đã xảy ra những vụ lừa bán khẩu trang cho người nước ngoài. Việc này không chỉ gây thiệt hại cho người mua mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín chung của doanh nghiệp Việt. "Đã có nhiều doanh nghiệp phản ánh, trong bất cứ tranh chấp nào giữa người bán ở Việt Nam và người mua ở nước ngoài, tài khoản của người bán sẽ bị đóng lại do uy tín thấp". 

“Cần chấn chỉnh các hành vi gian lận của người bán hàng trên môi trường số nhưng phải bằng kênh quản lý thị trường thông qua điều tra, xử phạt... chứ không phải thông qua việc chấn chỉnh sàn giao dịch điện tử", ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa các kỹ năng bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. "Về phía Bộ Công thương, nên tổ chức hoạt động kết nối giữa các nền tảng bán hàng toàn cầu và các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và để 2 nhóm này tiến hành các chương trình hỗ trợ. Như vậy sẽ có lợi cho cả hai bên”, ông Đồng nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng doanh nghiệp lúc này vẫn loay hoay tìm kiếm cách thức vận chuyển, thanh toán phù hợp và bảo đảm luật lệ quốc tế. Do đó, các cơ quan chức năng, các hiệp hội nên có chương trình đào tạo cho doanh nghiệp xuất khẩu để họ hiểu được quy định. Bên cạnh đó, cần sự hỗ trợ của ngân hàng để doanh nghiệp có thể thanh toán xuyên biên giới một cách dễ dàng. Doanh nghiệp nhỏ cũng cần có sự liên kết với nhau để tạo ra khối doanh nghiệp đủ mạnh, đủ tiềm lực để xuất khẩu.

Hạnh Nhung