Cơ hội tốt để tăng thị phần tại Mỹ
Phân tích tác động của chính sách thuế quan mới và bất ổn thương mại Hoa Kỳ - Trung, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần tại Hoa Kỳ.

Cụ thể, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể chuyển hướng sang Việt Nam tìm đối tác cung ứng thủy sản thay thế cho nguồn cung thiếu hụt từ Trung Quốc. Ngoài ra, các doanh nghiệp Hoa Kỳ và cả các thị trường khác như Nhật Bản, Canada… cũng sẽ tìm kiếm đối tác gia công chế biến thủy sản ở Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, sản phẩm cá tra Việt Nam có thể thay thế thị phần cá rô phi của Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Hiện nay, Hoa Kỳ nhập khẩu thủy sản từ Trung Quốc với trị giá từ 1,6 - 2 tỷ USD mỗi năm, tập trung vào các sản phẩm cá phile tươi/đông lạnh với giá trị từ 1 - 1,4 tỷ USD (chiếm khoảng 70%). "Việc Hoa Kỳ áp thuế bổ sung 10% đối với nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến giá cá rô phi của Trung Quốc tiếp tục tăng, điều này làm giảm nhu cầu của nước này và như vậy dự báo sẽ có nhiều cơ hội hơn cho cá tra Việt Nam", bà Lê Hằng phân tích.
Cũng theo chuyên gia này, việc Hoa Kỳ áp thuế 10% với sản phẩm của Trung Quốc có thể dẫn đến hành động trả đũa tương tự từ Trung Quốc. Do vậy, thủy sản nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Hoa Kỳ xuất khẩu vào Trung Quốc cá hồi, cá tuyết, cá minh thái, tôm hùm, cua huỳnh đế… đa số phục vụ cho phân khúc tiêu thụ cao cấp như nhà hàng, khách sạn. Hai năm gần đây, nhất là năm 2024 Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu các mặt hàng thủy sản tươi/sống từ Việt Nam như cua, ngao, tôm hùm, ốc để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp tại thị trường này. Nhu cầu từ phân khúc này được dự báo là tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung cấp từ Hoa Kỳ bị sụt giảm - bối cảnh này tiếp tục có lợi cho thủy sản Việt Nam, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang thị trường này mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
Tuy nhiên, thuế quan sẽ khiến áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa Trung Quốc và các thị trường khác gia tăng, chuyên gia của VASEP nhấn mạnh. Hoa Kỳ hiện chiếm tỷ trọng đáng kể (khoảng 19 - 21%) trong xuất khẩu thủy sản của Trung Quốc. Do vậy, ngoài việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải cân đối lại thị phần cho chính thị trường nội địa. Kéo theo đó, cá tra Việt Nam lại phải cạnh tranh với chính cá rô phi tại thị trường Trung Quốc.
Về những tác động của chính sách thuế quan và thương mại Canada - Hoa Kỳ, bà Lê Hằng cho biết, mức thuế 25% Hoa Kỳ áp với hàng hóa Canada chắc chắn sẽ tác động giảm xuất khẩu thủy sản của nước này vào Hoa Kỳ. Một lượng lớn thủy sản sẽ chia sẻ vào các thị trường khác và Canada sẽ tăng xuất khẩu sang Việt Nam để gia công chế biến, xuất khẩu đi các thị trường khác.
Việt Nam cũng là một đối tác nhập khẩu để tiêu thụ trong nước và gia công chế biến các sản phẩm thủy sản cho Canada như cá tuyết, cua tuyết, tôm hùm và một số loại cá biển. Sau khi bị áp thuế mới từ Hoa Kỳ, Canada có thể sẽ tăng thương mại thủy sản với Việt Nam. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp song cũng là thách thức đối với chính thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ là thị trường mục tiêu của Canada, vì Trung Quốc là đối tác lớn của nước này. Do vậy, sản phẩm thủy sản cao cấp của Việt Nam có thể bị áp lực cạnh tranh với tôm, cua, cá từ Canada đổ vào Trung Quốc. Ngoài ra, có một lượng đáng kể thủy sản sẽ phải tiêu thụ trong nước bù đắp cho sụt giảm thị phần tại Hoa Kỳ. Xu hướng này cũng phần nào làm giảm nhập khẩu của Canada từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch dự phòng
Dù chưa thể đoán định được liệu thủy sản Việt Nam có bị áp thuế mới hay không và khi nào bị áp dụng vì còn phụ thuộc nhiều điều kiện, song chuyên gia của VASEP tin rằng cơ hội dường như nhiều hơn thách thức.
"Ngành thủy sản có thể nắm bắt và bứt phá nếu nguồn cung ứng nguyên liệu tốt về cả khối lượng và chất lượng. Trong bối cảnh tình hình thương mại quốc tế thay đổi liên tục, doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch dự phòng, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Cần xây dựng các kênh cung ứng bền vững và linh hoạt, bao gồm nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu nguyên liệu khi cần thiết để tránh tình trạng thiếu hụt", Giám đốc truyền thông của VASEP khuyến cáo.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần cập nhật và nắm bắt thông tin thị trường, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm - thị trường linh hoạt trong bối cảnh mới. Ví dụ, có thể tăng thị phần cá tra tại Hoa Kỳ, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tươi sống sang Trung Quốc, cân đối để có sản phẩm cạnh tranh tại ASEAN, mở rộng thị phần tại thị trường Trung Đông… Đặc biệt, cần đầu tư hơn cho chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng và mở rộng thị phần tại các thị trường, đồng thời tránh bị áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thuế khác trong bối cảnh mới này, bà Lê Hằng nhấn mạnh.