Kinh tế

Xuất khẩu nông sản bứt phá trong khó khăn

Hạnh Nhung 04/07/2025 06:35

Dù đối mặt với nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp trong nửa đầu năm vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định, sản xuất phục hồi và xuất khẩu khởi sắc. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đạt gần 34 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc về giá trị.

Cơ cấu thị trường xuất khẩu thay đổi rõ nét

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Họp báo thường kỳ tháng 6/2025. Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, 6 tháng đầu năm nay, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; tuy nhiên, toàn ngành đã nỗ lực vượt khó, đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, sản lượng lúa Đông Xuân tăng so với năm trước; diện tích và sản lượng cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp lâu năm đều tăng. Chăn nuôi lợn và gia cầm phục hồi tốt, giá thịt duy trì ở mức cao, mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 33,84 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 18,46 tỷ USD (tăng 17,8%), sản phẩm chăn nuôi đạt 264,4 triệu USD (tăng 10,1%), thủy sản đạt 5,16 tỷ USD (tăng 16,9%), lâm sản đạt 8,82 tỷ USD (tăng 9,3%).

1.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến chủ trì họp báo. Ảnh: Hạnh Nhung

Nhiều mặt hàng chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật. Cụ thể, cà phê đạt 953.900 tấn, kim ngạch 5,45 tỷ USD, tăng 5,3% về lượng và 67,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cao su giảm 6,5% về sản lượng (chỉ còn 680.100 tấn) nhưng tăng 14,4% về giá trị (đạt 1,27 tỷ USD) nhờ giá bình quân tăng lên 1.864,7 USD/tấn (tăng 22,4%). Hạt điều đạt 346.800 tấn, kim ngạch 2,36 tỷ USD, giảm 2,7% về lượng nhưng tăng 20,4% về giá trị.

Ba thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ (chiếm 21,1%), Trung Quốc (17,6%) và Nhật Bản (7,2%). So với cùng kỳ năm 2024, xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 16%, Trung Quốc giảm 0,7%, còn Nhật Bản tăng tới 25,5%. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cơ cấu thị trường đã có sự thay đổi rõ nét. Năm nay, thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh, vượt Trung Quốc, tạo thế cân bằng giữa hai thị trường lớn này.

Bên cạnh xuất khẩu tăng, kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản cũng tăng tương ứng. Riêng tháng 6/2025, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 4,21 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, con số này đạt 24 tỷ USD, tăng 15%.

Ba kịch bản ứng phó với thuế đối ứng từ Hoa Kỳ

Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm 2025 đạt 65 tỷ USD, tăng trưởng toàn ngành phấn đấu đạt 4%. Tuy nhiên, nguy cơ từ các biện pháp thuế đối ứng của Hoa Kỳ là thách thức lớn.

Hiện nay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch. Vì vậy, mọi động thái thương mại từ thị trường này đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi sản xuất và việc làm trong nước.

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Trần Gia Long cho biết, ngay từ đầu năm, Bộ đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong bối cảnh thuế đối ứng từ Hoa Kỳ. Kịch bản 1: thuế đối ứng mức 10% được áp dụng, tăng trưởng toàn ngành vẫn giữ ở mức 4%. Kịch bản 2: thuế tăng lên 20%, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm 6,2 - 6,5 tỷ USD, tương ứng giảm 0,15 - 0,2 điểm phần trăm tăng trưởng (xuống khoảng 3,85%). Kịch bản 3: nếu Hoa Kỳ áp thuế lên tới 46%, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm khoảng 13,2 tỷ USD.

Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định, nếu bị áp thuế đối ứng, xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm, cá tra, cá ngừ, sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, hiện mức thuế chính thức vẫn chưa được công bố. Các cơ quan chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực thủy sản và lâm nghiệp, sẽ theo dõi sát diễn biến, cập nhật thông tin thị trường để kịp thời xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp.

Chủ động thích ứng, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Để tiếp tục gia tăng giá trị trong 6 tháng cuối năm và năm 2026, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sẽ chủ động điều chỉnh, triển khai kế hoạch sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng phó linh hoạt với diễn biến thị trường, hạn chế mất cân đối cung cầu và biến động giá cả. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ngành cũng sẽ tập trung khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, bảo đảm ổn định đầu ra cho nông sản.

Về chiến lược dài hạn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng đến phát triển bền vững. Ngành nông nghiệp kiên định nguyên tắc không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài ra, công tác hoàn thiện thể chế đang được đẩy mạnh. Chính phủ đã ban hành các nghị định liên quan đến phân cấp quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để địa phương chủ động, sáng tạo trong triển khai. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang rà soát, tổng kết các luật chuyên ngành để đề xuất sửa đổi, hướng tới thể chế hóa các chủ trương mới, tạo hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng và hiệu quả hơn cho ngành.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xuất khẩu nông sản bứt phá trong khó khăn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO