Xuất khẩu lan tỏa đi đâu?

- Thứ Bảy, 24/04/2021, 06:06 - Chia sẻ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng điện thoại di động năm 2020 đạt 253,2 triệu chiếc, gấp 1,3 lần năm 2016 và quý I.2021 đạt 54,4 triệu chiếc, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.

Điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện sản xuất tại Việt Nam chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu. Phần lớn những sản phẩm này thuộc về khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó điện thoại và linh kiện chiếm 99,1%; hàng điện tử, máy tính và linh kiện chiếm 98%.

Lạ một điều, nhiều ý kiến cho rằng những sản phẩm này là “made in Việt Nam”. Xét về mặt từ ngữ không sai, nhưng xét về bản chất thì có cái gì gờn gợn. Hàm lượng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của sản phẩm này rất thấp, hầu như chỉ là công lắp ráp, điện, nước (giá rẻ) và bao bì. Những sản phẩm này nếu xuất khẩu thì thực chất là “xuất khẩu hộ” nước khác; nếu được tiêu dùng trong nước thì thực ra là sử dụng hàng nhập khẩu với hình thức và tên gọi khác mà thôi.

Dựa trên bảng vào - ra liên quốc gia công bố bởi OECD để tính toán cho thấy, ảnh hưởng của xuất khẩu của Việt Nam lan tỏa đến giá trị sản xuất của Việt Nam thấp nhấp trong các quốc gia trong mô hình (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và EU). Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam tăng lên 1 đơn vị sẽ lan tỏa đến sản lượng của Việt Nam 75,4%, và 22,8% sẽ lan tỏa sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sự lan tỏa đến giá trị tăng thêm của Việt Nam chỉ còn 72,2% và đến Trung Quốc tăng lên 24,8%.

Ảnh hưởng của xuất khẩu đến giá trị sản xuất của Trung Quốc là tốt nhất, nếu xét ảnh hưởng của xuất khẩu đến giá trị tăng thêm thì Hoa Kỳ là tốt nhất.

Tính toán cũng cho thấy, cầu cuối cùng (final demand) của Việt Nam lan tỏa đến tổng giá trị sản xuất khá mạnh, chỉ sau Trung Quốc. Trớ trêu là điều này cơ bản lại kích thích sản lượng của Trung Quốc - chiếm gần 68% trong tổng giá trị sản xuất cho nhu cầu cuối cùng của Việt Nam, trong khi chỉ kích thích sản lượng trong nước của Việt Nam 24,6%. Ngược lại, cầu cuối cùng của Trung Quốc kích thích sản lượng trong nước rất mạnh. Điểm đáng chú ý nữa là, cầu cuối cùng của Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU kích thích lẫn nhau một cách tương đối bằng phẳng nhưng lại hầu như không có ảnh hưởng gì đến Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam có chỉ số lan tỏa và độ nhạy đến giá trị sản xuất rất thấp, trong khi hai chỉ số này của Trung Quốc cao nhất. Điều này hàm ý rằng cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc có tầm quan trọng tương đối cao với Hoa Kỳ và EU. Ngược lại, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam không có ảnh hưởng nhiều đối với các nước được khảo sát trong mô hình. Điều này không hoàn toàn do quy mô nền kinh tế Việt Nam nhỏ hơn các nước khác mà do cấu trúc sử dụng sản phẩm làm đầu vào cho sản xuất trong nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam tuy “nhận” một số sản phẩm là của Việt Nam (made in Vietnam) nhưng thực chất chỉ làm gia công, lắp ráp…

Kết quả tính toán qua mô hình cũng cho thấy, lan tỏa từ sản phẩm cuối cùng của Việt Nam đến giá trị tăng thêm rất thấp, chỉ bằng gần một nửa của Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU. Cụ thể, một đơn vị sản phẩm cuối cùng sử dụng cho nhu cầu trong nước lan tỏa đến giá trị tăng thêm của Việt Nam là 0,45 đơn vị, trong khi của Trung Quốc là 0,97, Hoa Kỳ là 0,94 và EU là 0,95.

Việt Nam nhiều năm qua vẫn mải miết vui buồn với tăng trưởng GDP, quy mô GDP và thặng dư thương mại, mà dường như lãng quên cái quan trọng hơn là cấu trúc kinh tế. Tất nhiên, việc so sánh cấu trúc kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ và EU có phần khập khiễng nhưng cũng để thấy cấu trúc kinh tế của Việt Nam đã rất lạc hậu. Việt Nam nhiều năm kêu gọi sản xuất sản phẩm phụ trợ và thậm chí đã nhận nhiều sản phẩm thực chất chỉ làm gia công, lắp ráp là sản phẩm của mình. Để thực sự chuyển mình, cần nhìn nhận vấn đề một cách minh bạch và chấp nhận sự thật để thay đổi.

TS. Bùi Trinh