Xuất khẩu gạo

Cơ hội nhiều nhưng khó khăn cũng lớn

- Chủ Nhật, 17/01/2021, 08:31 - Chia sẻ
Tiếp nối thành công của năm 2020, nhiều chuyên gia dự đoán 2021 vẫn là một năm nhiều cơ hội đối với xuất khẩu gạo. Lượng gạo xuất khẩu có thể không tăng vọt nhưng giá trị gia tăng sẽ cao hơn, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới nhận định.

Giá xuất khẩu tăng 13,3%

Bộ Công thương cho biết, mặc dù lượng gạo xuất khẩu trong năm 2020 giảm 3,5% so với năm 2019 chủ yếu vì mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng trị giá xuất khẩu lại tăng tới 9,3%. Cụ thể, xuất khẩu gạo năm 2020 đạt 6,15 triệu tấn, thu về 3,07 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân cả năm ước đạt 499 USD/tấn, tăng 13,3% so với năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa.

Nhiều chuyên gia dự đoán năm 2021 tiếp tục là một năm nhiều cơ hội đối với ngành gạo Việt Nam. TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương nhận định, xuất khẩu gạo trong quý I năm nay vẫn sẽ ghi nhận kết quả tốt bởi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhu cầu lương thực tăng và các thị trường gạo của châu Á cũng bắt đầu nóng trở lại. Trong đó, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu có triển vọng tăng trưởng tốt khi mà 2 nguồn cung lớn của EU trong nhiều năm qua là Campuchia và Myanmar đang phải chịu thuế suất tuyệt đối cho đến hết năm.

Xuất khẩu gạo năm 2021 có thể không tăng vọt về sản lượng nhưng giá trị gia tăng sẽ cao hơn, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới nhận định dựa trên một số lý do. Thứ nhất, tình hình hạn mặn được dự báo có thể nhẹ hơn năm 2020. Thứ hai, cố gắng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương trong việc duy trì sản lượng và mở rộng diện tích gạo ngon giúp gạo Việt đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. “Việt Nam trong 2 năm trở lại đây chuyển biến rất mạnh trong sản xuất gạo theo tiêu chí “chất lượng hơn số lượng”, hạn chế loại gạo hạt dài, khô cứng”, ông nhận xét.

Thực tế ngay những ngày đầu năm, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã xuất sang Đức 2.000 tấn gạo; sang Malaysia 1.150 tấn, Singapore 450 tấn với giá 680 và 750 USD/tấn, tuỳ loại. Số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho thấy, đầu năm 2021, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan và Việt Nam tiếp tục ở mức trên 500 USD/tấn. Trong đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 529 USD/tấn, còn gạo 5% tấm của Việt Nam từ 508 - 512 USD/tấn.

Về dài hạn, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa dự báo, xuất khẩu gạo từ nay đến năm 2025 có nhiều cơ hội mới như nhu cầu tăng cao nhưng nguồn cung thế giới bị hạn chế; trong đó việc nông dân chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái ngày càng nhiều do thu nhập từ trồng lúa không cao cũng làm hẹp nguồn cung. Mặt khác, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cùng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp Việt Nam tận dụng các ưu đãi về thuế quan, nâng cao khả năng cạnh tranh để thúc đẩy xuất khẩu gạo.

Nguồn: ITN

Phải ưu tiên gạo thơm, gạo dẻo

Bên cạnh những triển vọng tích cực, ngành gạo vẫn tồn tại một số khó khăn. TS Nguyễn Đăng Nghĩa cho rằng, gần đây ngành nông nghiệp liên tục phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thiên tai cũng như những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sản xuất lúa gạo không là ngoại lệ. Cùng với đó, dịch Covid-19 nếu vẫn diễn biến phức tạp cũng sẽ gây ra những rào cản nhất định trong quan hệ giao thương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam chưa có khung pháp lý kiểm soát chặt chẽ chất lượng và thương hiệu gạo, chưa có chiến lược cụ thể để xây dựng quy trình canh tác sản xuất đại trà những loại gạo ngon, sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu của một số thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản.

Để khắc phục khó khăn, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng trước hết ngành gạo phải củng cố lại tổ chức sản xuất. Ví dụ, cánh đồng mẫu lớn đang có xu hướng giảm, vì vậy phải đẩy mạnh quan hệ giữa doanh nghiệp với nhà nông trên cơ sở mua bán, xây dựng hợp đồng; từ đó doanh nghiệp sẽ đầu tư theo định hướng đã ký kết và cùng chia sẻ lợi nhuận với hợp tác xã cũng như nhà nông. Ngoài ra, sản xuất gạo của Việt Nam vẫn nên giữ vững theo cơ cấu ưu tiên gạo thơm, gạo dẻo rồi mới đến gạo trắng để bảo đảm cân đối hài hòa khi đưa sản phẩm ra thị trường. Các doanh nghiệp Việt Nam phải có kế hoạch bảo vệ thương hiệu gạo của mình, đặc biệt là giữ vững được sự ổn định về giá cả. Hiện nay, giá gạo Việt so với Thái Lan chưa ổn định về mặt lâu dài nên khách hàng sẽ thiếu sự tin tưởng.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan thực hiện tốt việc bảo hộ giống lúa ST25. Về phía doanh nghiệp cần nghiên cứu cải tiến công nghệ và tổ chức dây chuyền sản xuất khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng yêu cầu của các thị trường cao cấp.

Minh Trang