Xuất khẩu gạo 2011 Luật chơi mới, cơ hội mới
Từ năm 2011, cùng với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thực hiện hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Điểm mới trong Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho các sản phẩm lúa gạo xuất khẩu của nước ta trên thị trường quốc tế.
|
Hiện nay, nước ta có trên 200 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo. Theo thống kê của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, trong số trên 200 doanh nghiệp này có khá nhiều doanh nghiệp nhỏ không đủ năng lực về kho bãi, công nghệ chế biến và bảo quản gạo nên hoạt động kinh doanh chủ yếu theo kiểu lướt sóng. Chuyên gia phân tích ngành hàng nông sản, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Trịnh Văn Tiến cho rằng, việc mở cửa cho các doanh nghiệp FDI tham gia sẽ làm cho lĩnh vực sản xuất và kinh doanh lúa gạo nước ta năng động hơn, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải tham gia vào một cuộc chơi mới có tính cạnh tranh cao hơn. Trình độ quản lý, khả năng dự báo, sự nhạy bén và phản ứng linh hoạt với thị trường, xây dựng mạng lưới tiêu thụ... sẽ là những điều các doanh nghiệp trong nước học hỏi được từ các doanh nghiệp FDI.
Nhiều năm qua, hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo luôn gặp phải là: lúc giá gạo thấp thì bán ra, còn lúc giá gạo cao thì lại bỏ lỡ cơ hội. Hiện trạng này đã khiến doanh nghiệp trong nước và người nông dân chịu không ít thiệt thòi. Đấy là chưa kể tới tình trạng nông dân bị thương lái ép giá khi đến mùa thu hoạch. Theo chuyên gia Trịnh Văn Tiến thì hiện tượng khi giá thấp thì xuất khẩu, còn khi giá cao lại bỏ lỡ cơ hội xuất phát chủ yếu từ 2 nguyên nhân. Thứ nhất là doanh nghiệp chưa chú trọng đến khâu trữ và bảo quản lúa. Thứ hai, doanh nghiệp đang có được uy quyền tối thượng trong việc quyết định giá và thời điểm thu mua lúa. Sự xuất hiện của doanh nghiệp FDI sẽ tạo cú hích để khắc phục những hiện tượng nêu trên.
Trong năm 2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định về miễn tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng kho dự trữ lúa. Nhưng, trong năm qua, năng lực trữ lúa tăng lên không đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: doanh nghiệp chưa có mặt bằng, thiếu chính sách hỗ trợ sau đầu tư xây dựng kho chứa... Nhưng, theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân quan trọng nhất là các doanh nghiệp chưa phải chịu sức ép từ việc phải tăng cường khả năng trữ lúa. Từ trước đến nay, việc ấn định giá thu mua lúa do Hiệp hội Lương thực Việt Nam quyết định. Cơ chế này sẽ dần phải thay đổi khi doanh nghiệp FDI tham gia vào hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Vì hoạt động xuất khẩu gạo sẽ phải theo cơ chế thị trường, không còn tình trạng độc quyền trong thu mua và quyết định giá vào thời điểm thu mua như hiện nay.
Động lực mới, sức sống mới cho hạt gạo Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế là kỳ vọng của nhiều chuyên gia, nhiều người dân khi các doanh nghiệp FDI được phép tham gia xuất khẩu gạo. Nhiều thương hiệu gạo nổi tiếng của nước ta như: gạo tám Hải Hậu, gạo Điện Biên, gạo Nàng Hương... sẽ có cơ hội vươn xa hơn, xuất hiện trên nhiều quốc gia hơn nhờ những cú hích của các doanh nghiệp FDI. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chất lượng và thương hiệu của gạo Việt Nam có thể có những thay đổi căn bản nhờ vào kinh nghiệm, sức cạnh tranh và tầm nhìn dài hạn của các doanh nghiệp FDI. Điều này sẽ có tác động ngay đến trình độ và phương thức sản xuất của người nông dân và mang lại lợi ích thực sự cho người nông dân.
Khi có ý định đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp FDI sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước cũng như cơ chế, chính sách của Việt Nam. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn những điều chưa rõ trong Nghị định 109 về việc cho phép các doanh nghiệp FDI tham gia thu mua xuất khẩu gạo. Ví dụ như doanh nghiệp FDI có được Chính phủ giao thu mua lúa tạm trữ hay không? Có được nhập khẩu gạo nguyên liệu về chế biến và phân phối ở thị trường nội địa không?.... Bên cạnh đó, việc điều tiết xuất khẩu gạo sẽ được tổ chức như thế nào trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu là vấn đề nóng hiện nay? Hay, cách thức quản lý doanh nghiệp FDI sẽ như thế nào để vừa bảo đảm được lợi ích quốc gia vừa bảo đảm lợi ích cho các doanh nghiệp FDI.
Sự có mặt của các doanh nghiệp FDI trong thu mua xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến về chất trong sản xuất kinh doanh lúa gạo của nước ta. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, bởi với sân chơi mới, luật lệ mới thì sự cạnh tranh sẽ mạnh hơn, cuộc chơi sẽ khó khăn hơn. Doanh nghiệp nào không có năng lực thực sự thì khó có thể tồn tại.