Xuất khẩu trong tháng 7 tiếp tục tăng
Theo ước tính sơ bộ của Bộ Công Thương, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may giảm 16,7% so với cùng kỳ, đạt mức 21,5 tỷ USD. Nguyên nhân bởi nhu cầu yếu tại các thị trường lớn, trong bối cảnh chi phí đi vay cao và kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Trong báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, toàn ngành đặt mục tiêu phấn đấu xuất khẩu cả năm đạt 39 - 40 tỷ USD. Đây là thách thức rất lớn, song toàn ngành sẽ tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận các đơn hàng không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác, đồng thời khai thác thị trường mới, quan tâm thị trường nội địa. Thứ ba, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, dữ liệu qua các tháng đã cho thấy sự phục hồi. Cụ thể, giá trị xuất khẩu toàn ngành trong tháng 7 đã tăng 4,1% so với tháng trước, đạt 3,65 tỷ USD (sau khi tăng trưởng tích cực ở mức 13,2% so với tháng trước trong tháng 6).
Trong 7 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu xơ, sợi dệt tăng 2,5% so với cùng kỳ, lên 988.300 tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm 19,9% về 2,48 tỷ USD do giá bán giảm sau khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa, bông cotton) hạ nhiệt từ vùng cao trong nửa đầu năm 2022.
Riêng trong tháng 7, sản lượng xuất khẩu xơ sợi ước đạt 160.000 tấn, tương đương với mức tăng 6,7% so với cùng kỳ và 45,4% so với tháng 6. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ đang ở trong quá trình phục hồi, theo các chuyên gia của VNDirect.
Kim ngạch xuất khẩu vải và hàng may mặc đạt 19,02 tỷ USD trong 7 tháng qua, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng tháng 7 ghi nhận đạt 3,26 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng trước.
Kỳ vọng vào thị trường Mỹ
Nhìn nhận về triển vọng những tháng cuối năm nay và năm 2024, các chuyên gia cho rằng, ngành dệt may đang trên đà hồi phục. Điều này thể hiện ở giá trị xuất khẩu các sản phẩm ngành dệt may đã có sự cải thiện qua các tháng kể từ tháng 5.2023.
Theo các chuyên gia, mùa lễ hội cuối năm sẽ tạo nhu cầu cho các mặt hàng trong ngành có xu hướng tăng cao, qua đó giúp hoạt động xuất khẩu các sản phẩm ở khâu thượng nguồn (xơ sợi) sẽ sôi động hơn kể từ quý III.2023.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất sợi polyester có rủi ro sẽ tiếp tục đối diện với khó khăn trong quý tới khi giá nguyên liệu đầu vào (chip nhựa sản xuất từ dầu thô) tăng trở lại. Các nguyên liệu nhựa thường phản ánh đà tăng theo giá dầu sau 3 - 4 tháng, bà Phan Thị Thanh Huyền, chuyên gia Khối Phân tích VNDirect lưu ý.
Về thị trường tiêu thụ, các chuyên gia kỳ vọng, nhu cầu cho các sản phẩm vải và may mặc tại Mỹ sẽ trở lại quỹ đạo tăng trưởng kể từ quý I.2024 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên tích cực hơn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu vải và hàng may mặc sang Mỹ của Việt Nam giảm 25,7% so với cùng kỳ, đạt mức 7,04 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu của riêng quý II đã cao hơn 27,2% so với quý I, đạt 3,94 tỷ USD.
Một chỉ dấu quan trọng khác là tính đến tháng 5.2023, vải và hàng may mặc nhập khẩu của Mỹ đã tăng 12,1% so với tháng trước về lượng (đạt mức 13,2 tỷ m2) và tăng 9,3% về giá (đạt mức 9,2 tỷ USD). Sản lượng nhập khẩu đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 7.2022, phản ánh nhu cầu cho sản phẩm thuộc các phân ngành này đang phục hồi với tiến độ tích cực.
Cùng với đó, công cuộc kiểm soát lạm phát của Mỹ đang tiến triển tích cực, với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại quốc gia này tiếp tục thu hẹp đà tăng và đạt mức 3% s với cùng kỳ trong tháng 6.2023 – mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3.2021.
Các chuyên gia kỳ vọng, chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED sẽ đảo chiều sau năm 2023, điều này sẽ giúp dần cởi bỏ gánh nặng lên sức tiêu thụ tại các mặt hàng không thiết yếu – trong đó bao gồm quần áo và các sản phẩm khác của ngành dệt may, qua đó tạo đà cho phục hồi xuất khẩu dệt may của Việt Nam.
Xét riêng với các doanh nghiệp trong ngành đang niêm yết, thống kê của VNDirect cho thấy, tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp này trong nửa đầu năm 2023 lần lượt giảm 17,5% và 73% so với cùng kỳ, chủ yếu chịu tác động từ tiêu thụ yếu trong lĩnh vực vải và hàng may mặc, cùng với đó là chi phí lãi vay tăng 42,5% so cùng kỳ.
Biên lợi nhuận gộp của toàn ngành giảm 4,3 điểm % do các nhà cung cấp xơ sợi phải giảm giá bán trong khi các nhà sản xuất vải và hàng may mặc vẫn đang chịu chi phí đầu vào cao.
Tình trạng sức tiêu thụ yếu đối với các sản phẩm may mặc kéo dài khiến đơn hàng mới sụt giảm và kết quả kinh doanh theo đó lao dốc tại các doanh nghiệp may.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam giảm 15,5% so với cùng kỳ 2022 và đạt 8.119 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận ròng chỉ đạt 62,3 tỷ đồng, giảm mạnh 88,4%. Tương tự, CTCP May Sông Hồng chứng kiến doanh thu giảm 20,4% so với cùng kỳ về mức 2.179 tỷ đồng và lợi nhuận ròng giảm 41,1% về mức 110,6 tỷ đồng sau 2 quý đầu năm nay.