Xuất khẩu có thể bứt phá?

- Thứ Hai, 22/02/2021, 06:12 - Chia sẻ
Tuy xuất khẩu đạt được những con số ấn tượng trong 2 tháng đầu năm nhưng một số chuyên gia thận trọng cho rằng, chưa có gì chắc chắn về khả năng bứt phá tốt trong cả năm nay. Một cách thận trọng, các chuyên gia nhấn mạnh, kỳ vọng xuất khẩu tăng trưởng hơn nữa chỉ trở thành hiện thực nếu nỗ lực giải quyết những vấn đề căn cơ.

Triển vọng tích cực

Theo số liệu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1.2021 ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so tháng trước và tăng 50,5% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản tăng mạnh, tới 22,7% so cùng kỳ năm trước, đạt 2,03 tỷ USD; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,96 tỷ USD, tăng 54,5%. Ước tính tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 1,3 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 3,1 tỷ USD (kể cả dầu thô). 

Tính từ đầu năm đến hết ngày 16.2, thống kê cộng dồn của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sơ bộ đạt 74,51 tỷ USD, tăng mạnh 31% so với cùng thời gian năm 2020. Riêng dịp Tết Tân Sửu năm 2021 (từ ngày 10 - 16.2), trên phạm vi toàn quốc có tất cả 960 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng 363 doanh nghiệp so với dịp Tết Nguyên đán 2020; tổng số tờ khai thực hiện 10.300, tăng 59%.

Năm 2021 liệu xuất khẩu có thể bứt phá
Nguồn: ITN

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng không khó để lý giải triển vọng tích cực này. Việt Nam hiện là một trong những nước kiểm soát dịch tốt. Bên cạnh đó doanh nghiệp đã có kinh nghiệm để thích ứng tốt với dịch bệnh. Đặc biệt, chính sách hội nhập kinh tế và hợp tác quốc tế của nước ta rất đúng đắn. Chúng ta đã đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, kí kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA và mới đây là RCEP… qua đó mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn hơn cho doanh nghiệp.

Nỗ lực không ngừng

Thừa nhận những con số ấn tượng và khả quan đạt được trong tháng đầu năm song TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lại “không chắc chắn rằng xuất khẩu có thể bứt phá tốt trong năm nay”. Ông phân tích: xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường, nếu thị trường co cụm lại do dịch, tình hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng sẽ chậm lại.

“Chúng ta có quyền kỳ vọng xuất khẩu sẽ tăng trưởng hơn nữa nhưng điều này phải đi kèm với nỗ lực không ngừng”, TS. Lê Đăng Doanh nói. Theo ông, Nhà nước phải làm tốt vai trò điều phối trong thực thi các hiệp định thương mại tự do. “Phải rà soát lại các hiệp định, bởi chắc chắn sẽ có những hạn chế, chồng chéo. Cần nghiên cứu, xem xét chỗ nào là hạn chế, tránh tình trạng giẫm chân nhau. Đối với doanh nghiệp, cần khẩn trương thay đổi tư duy tiếp cận, nâng nội lực để đủ sức tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu. Phải chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất hợp lý, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh”.   

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, cần giải quyết 5 vấn đề căn cơ. Một là, rút ngắn khoảng cách, giảm lệ thuộc vào các công ty nước ngoài bởi nhóm này hiện chiếm đến 60% tỷ trọng xuất khẩu. Hai là, Chính phủ cần có giải pháp giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ về vấn đề tài chính khi dịch đang bùng phát trở lại. Ba là, doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ nhau để tạo ra quy mô đủ lớn, đủ mạnh, nhất là trong ngành nông nghiệp - đây là lĩnh vực bản lề của Việt Nam nhưng tính liên kết của các doanh nghiệp còn khá rời rạc. Bốn là, những vấn đề về dịch vụ hậu cần, chi phí lớn gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp. Cuối cùng, chất lượng luôn là yếu tố phải đặt lên hàng đầu để duy trì sự cạnh tranh, đặc biệt khi đã ký kết các hiệp định thương mại tự do thì vấn đề này càng phải xem trọng. “Nếu làm tốt các giải pháp đó, không chỉ bảo đảm được tính bền vững cho xuất khẩu trong năm nay mà còn hướng tới mục tiêu xa hơn là 5 - 10 năm tới”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong khuyến cáo, thời điểm này, các doanh nghiệp phải thích ứng tốt hơn với dịch, nhất là các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh, phát triển kinh tế nền tảng, mô hình kinh doanh mới. Phải bảo đảm trong doanh nghiệp không có dịch, bởi nếu có thì sẽ rất khó xuất khẩu. Khuyến nghị thêm về hoạt động xúc tiến xuất khẩu, ông Phong cho rằng, cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển như nông sản, công nghiệp chế biến, chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe. Để có được hợp đồng xuất khẩu phải có thái độ làm việc chuyên nghiệp, triển khai các chương trình quảng bá liên tục, mới mẻ và hấp dẫn nhằm củng cố nhận diện và nâng tầm hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm Việt. Đặc biệt là phải phối hợp với nhau chứ không nên làm lẻ tẻ sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, tranh thủ khai thác Việt kiều các nước để hướng tới khả năng thông tin tốt hơn, tổ chức tiết kiệm chi phí. Các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở các nước cũng cần phối hợp hơn trong lĩnh vực xúc tiến xuất khẩu.

Hạnh Nhung