Xuất bản chuyển đổi số thúc đẩy văn hóa đọc

- Thứ Ba, 08/06/2021, 07:45 - Chia sẻ
Thời gian qua, ngành xuất bản Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh, ngoài sách in, các loại hình ebook, audiobook, sách tương tác, sách thực tế ảo... đã ra đời. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này được kỳ vọng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.
	Xuất bản chuyển đổi số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả Nguồn: ITN
Xuất bản chuyển đổi số, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả
Nguồn: ITN

Đa dạng cách đưa sách đến độc giả

Tại Tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số 4.0” mới đây, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết: 10 năm qua, ngành xuất bản Việt Nam phát triển khá nhanh. Nếu năm 2010, cả nước có 240 - 300 triệu bản sách, thì năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ như vậy vẫn có 410 triệu bản sách, 33 nghìn đầu sách.

Nếu so sánh với các nước khác, năng lực xuất bản của Việt Nam không thua kém. Ông Nguyễn Nguyên dẫn chứng: Tại Pháp, năng lực xuất bản khoảng 4 bản sách/người, nhưng bạn đọc tìm sách qua nguồn thư viện đã lên tới 8 bản/ người. Tại Nhật, con số này là hơn 5 bản/người. Điều đó cho thấy năng lực xuất bản của Việt Nam không yếu, nhưng làm thế nào để sách đến với bạn đọc là câu chuyện cần quan tâm.

Thực tế, những năm vừa qua, các đơn vị xuất bản đã đa dạng hóa cách thức đưa sách đến với độc giả, như tổ chức các cuộc giao lưu, ra mắt sách, có các trang mạng xã hội giới thiệu sách, sách được đưa lên các trang web và trang thương mại điện tử để độc giả ở những nơi xa dễ dàng đặt mua... Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhiều nhà sách, thư viện công cộng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở khắp các vùng miền cũng đã tạo nên môi trường giúp cho văn hóa đọc được nảy nở.

Trong thời đại chuyển đổi số, các đơn vị đã có những bước đi nhằm bắt kịp sự thay đổi trong cách tiếp cận tri thức của độc giả. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương, Trưởng phòng Sách web Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực sách điện tử cho biết: “Gần 10 năm trước, chúng tôi bước chân vào lĩnh vực này với nhiều kỳ vọng. Khi đó, bạn đọc thờ ơ với sách giấy, trong khi dùng các thiết bị điện tử nhiều, thiết bị đọc cũng xuất hiện nhiều. Bắt tay vào lĩnh vực này, đối mặt với nhiều thách thức, như nạn vi phạm bản quyền, nền tảng công nghệ xuất bản... Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, khi mọi thứ trở nên khó khăn thì đây lại là cơ hội. Mọi người giãn cách xã hội, không thể đi mua sách, đã tìm tới sách điện tử. Đó là lúc để chúng tôi có điều kiện phát triển, sản xuất nhanh phiên bản điện tử của mình. Không chỉ bạn đọc thường xuyên, các thư viện trường học, thư viện cộng đồng cũng đẩy mạnh sử dụng thư viện trực tuyến từ quý II.2020 đến nay”.

Không chỉ sách điện tử, các loại hình sách nói, sách tương tác cũng ra đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả, góp phần nuôi dưỡng tình yêu với sách. Theo ông Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Wewe, đơn vị quản lý ứng dụng sách nói Voiz FM: “Đầu năm 2019, chúng tôi bắt tay thực hiện khai thác sách nói có bản quyền và được sự ủng hộ từ nhiều bên. Sau một thời gian, lượng người dùng tăng lên, tạo thói quen nghe sách nói có bản quyền. Hiện Voiz FM đã tự phát triển giọng đọc trí tuệ nhân tạo với chất giọng khá tự nhiên, được sử dụng trong các mảng sách kỹ năng hay sách kinh doanh; với sách văn học cần nhiều cảm xúc vẫn là người đọc...”.

Cơ hội chuyển đổi số cho xuất bản

"Khó khăn về bản quyền là vấn đề chung của nhiều quốc gia, nhưng không vì thế mà các nước chậm phát triển xuất bản phẩm điện tử. Nhiều quốc gia có tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử phát triển mạnh, sách audio tăng trưởng hơn 20%/năm, sách điện tử trung bình 20 - 22%/năm, nhưng sách in không hề giảm đi. Điều đó cho thấy sự tương tác, cộng hưởng, cùng nhau phát triển".

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành

Trong xu thế chuyển đổi số, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả, phát triển văn hóa đọc, các nhà xuất bản cũng phải đẩy nhanh chuyển đổi số. Theo ông Nguyễn Nguyên, những năm 2000, đặc biệt từ 2010 đến nay, các nhà xuất bản đã số hóa kho dữ liệu để duy trì và sử dụng lâu bền. Đó là giai đoạn manh nha của chuyển đổi số. Đến nay, một số đơn vị đã bước sang giai đoạn 2, ứng dụng công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động xuất bản, như tạo ra sản phẩm ebook, audio book, sách tương tác, sách thực tế ảo (AR). Cùng với đó, bắt đầu có sự thay đổi trong quy trình quản lý, quản trị, theo dõi hoạt động xuất bản dựa trên ứng dụng công nghệ. Trên thế giới, xuất bản nhiều nước đã phát triển đến giai đoạn 3, chuyển thành nhà xuất bản số.

Dù vậy, nước ta đang có tiền đề cho xuất bản chuyển đổi số. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, có 145 triệu thuê bao (tính đến năm 2020); 70% người dân sử dụng internet (trong khi ở các nước chỉ khoảng 40 - 50%). Thời gian sử dụng internet cũng khá nhiều, theo số liệu năm 2019, trung bình mỗi người dùng hơn 6 giờ. “Đó cũng là câu hỏi cho ngành xuất bản, làm thế nào độc giả cầm điện thoại không chỉ lướt Facebook, mua sắm, mà quan tâm nhiều hơn tới đọc sách, tiếp cận tri thức, làm giàu có về trí tuệ và làm đẹp về tâm hồn” - ông Nguyễn Nguyên nói.

Theo ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, chuyển đổi số góp phần đưa văn hóa đọc đến đông đảo công chúng rộng rãi hơn, nhưng để có thể phát triển văn hóa đọc, cần thay đổi nhận thức của người làm sách và độc giả. Những người làm sách buộc phải chuyển đổi số, cập nhật công nghệ để tăng trải nghiệm đọc cho độc giả; đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản quyền cho độc giả; có hoạt động thu hút độc giả đến với sách, tạo thói quen đọc cho các em nhỏ...

Bên cạnh hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực xuất bản và văn hóa đọc, phải có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt, xử lý nghiêm vấn nạn vi phạm bản quyền. Bà Nguyễn Thị Diễm Phương cho rằng: “Nền tảng công nghệ là thách thức của đơn vị xuất bản Việt Nam hiện nay. Các đơn vị trong ngành kỳ vọng một chương trình chuyển đổi số quốc gia, được Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành định hướng, triển khai, sẽ tạo nền tảng chung, hệ sinh thái để các đơn vị xuất bản, làm sách vừa tập trung lan tỏa, thu hút độc giả đến với tri thức”.

Ngọc Phương