Người có công lớn, mở lớp đào tạo các nhà báo đầu tiên cho kháng chiến chống Pháp
Khó mà kể hết những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp cách mạng, cho dân cho nước. Tôi may mắn được gặp ông lần đầu tiên vào khoảng tháng 10.1970 khi ông từ Hội nghị Paris trở về và đến thăm đồng chí Hoàng Quốc Việt. Cuộc gặp gỡ đầu tiên đó đã để lại trong tôi một ấn tượng đẹp về một nhà ngoại giao tài năng và lịch lãm.
Không ngờ 3 năm sau lần gặp gỡ đầu tiên đó, hoàn thành nhiệm vụ ở Hội nghị Paris, ông được Trung ương phân công làm Bí thư Trung ương Đảng kiêm Trưởng ban Dân vận - Mặt trận, rồi Bí thư Đảng đoàn Mặt trận. Tôi có cơ may là được làm việc dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của ông cho đến tận giờ phút ông ra đi.
Qua 13 năm giúp việc thủ trưởng, và qua các lần Mặt trận Trung ương tổ chức họp mặt hội thảo nhân dịp 75 năm, 85 năm và 90 năm ngày sinh của đồng chí Xuân Thủy, tôi càng hiểu sâu hơn cuộc đời và sự nghiệp của Ông.
Ông sinh ra trong một gia đình nho học yêu nước và lớn lên tại vùng quê Phương Canh nổi tiếng thời phong kiến với "Mỗ, La, Canh, Cót... tứ danh hương", là đất văn học với những danh nhân văn hóa nổi tiếng Bắc Hà một thời.
Ông sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ những năm đầu thập kỷ 30. Năm 1938, bị đế quốc Pháp bắt ở Phúc Yên rồi đưa về giam ở Hỏa Lò (Hà Nội). Năm 1939, ông lại bị đế quốc Pháp bắt trở lại và bị đày đi Nhà tù Sơn La. Khi chi bộ của Đảng cộng sản Đông Dương được thành lập bí mật ở Nhà tù Sơn La năm 1941, ông được đồng chí Tô Hiệu và đồng chí Trần Huy Liệu giới thiệu kết nạp đặc biệt và được công nhận ngay là đảng viên chính thức do đã được thử thách trước khi vào tù. Từ đó, đồng chí Xuân Thủy luôn được bầu vào cấp ủy Đảng trong nhà tù và trực tiếp phụ trách tờ "Suối Reo" - tờ báo của những người cộng sản ở Nhà tù Sơn La.
Ra tù và bắt được liên lạc với tổ chức Đảng, đồng chí Xuân Thủy được phân công làm tờ Đặc san Cứu quốc hải ngoại, rồi tờ Cứu quốc bí mật - cơ quan của Tổng bộ Việt Minh, một trong những tờ báo cách mạng bí mật phổ biến nhất lúc bấy giờ (tiền thân của Báo Đại đoàn kết ngày nay).
Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Xuân Thủy được phân công trực tiếp làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Cứu quốc. Lúc đó, đây là tờ báo hàng ngày duy nhất của cách mạng, tích cực tham gia cuộc đấu tranh chính trị, vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và các thế lực phản động, cổ vũ quần chúng đoàn kết, góp công góp của bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, tham gia kháng chiến, giữ vững độc lập dân tộc.
Ông là người có công lớn trong việc mở lớp đào tạo các nhà báo đầu tiên cho kháng chiến chống Pháp. Với cương vị người phụ trách tờ báo của Tổng bộ Việt Minh - tờ báo quan trọng hàng đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, với kiến thức uyên thâm, bằng thái độ trân trọng và lối sống chân thành, ông đã lôi cuốn được nhiều nhà văn, nhà báo, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức nổi tiếng, nhiều nhà hoạt động chính trị tên tuổi trực tiếp tham gia hoặc làm cộng tác viên Báo Cứu quốc. Chính cơ quan Báo Cứu quốc đã trở thành nơi đào tạo những người làm báo cách mạng. Được sự dìu dắt của ông, nhiều người sau này đã trở thành những nhà báo nổi tiếng.
Cùng với nhiệm vụ phụ trách Báo Cứu Quốc, ông còn đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng khác trong công tác Mặt trận như: Trưởng Ban Tuyên truyền của Tông bộ Việt Minh, Trưởng đoàn đại biểu Việt Minh trong Quốc hội (khóa I), Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Trưởng Ban thư ký - Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam... Qua đó cho thấy, cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Xuân Thủy hầu như gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết, với công tác Mặt trận dân tộc thống nhất.
"Chúng ta có thể khẳng định rằng: đồng chí Xuân Thủy là một trong những cán bộ thực hiện xuất sắc nhất đường lối đại đoàn kết dân tộc và chính sách Mặt trận dân tộc thống nhất của Bác Hồ và của Đảng ta. Suốt 41 năm, từ lúc ra khỏi Nhà tù Sơn La đến khi qua đời, đồng chí liên tục là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận".
Nhà lãnh đạo tài năng, đức độ và uy tín
Đồng chí Xuân Thủy có công lớn trong việc tham gia chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội thống nhất Mặt trận hai miền Nam - Bắc: giữa MTTQ Việt Nam (ở miền Bắc) với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (ở miền Nam). Một vấn đề gay cấn được đặt ra trong Đại hội nhiều người đến nay vẫn còn nhắc lại là tên gọi mới của tổ chức thống nhất là gì? Một số đề nghị tổ chức mới mang tên MTTQ XHCN vì nước ta đã đổi thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều đại biểu miền Nam lại đề nghị: Mặt trận XHCN, hay Mặt trận dân chủ XHCN, thậm chí một số vị nhân sĩ, trí thức đề nghị Mặt trận dân chủ xã hội...
Gần hết buổi sáng thảo luận không đi đến thống nhất, Đại hội giao cho Đoàn Chủ tịch xem xét và kiến nghị giải pháp. Sáng hôm sau, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Xuân Thủy phát biểu: "Hai tiếng Tổ quốc vô cùng thiêng liêng! Người Việt Nam ta đều chung một Tổ quốc, từ Lạng Sơn đến Minh Hải, đều chung một mộ tổ Hùng Vương ở Lâm Thao, Vĩnh Phú. Người Việt Nam ở nước ngoài dù xa xôi đến đâu cũng hướng về Tổ quốc thân yêu. Bất kỳ một người Việt Nam yêu nước nào cũng vui mừng trước sự kiện lịch sử mùa xuân 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam độc lập và thống nhất. Ngày nay, ai cũng mong được góp phần xây dựng Tổ quốc mình đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ đã nói. Hai tiếng Tổ quốc kêu gọi trái tim Việt Nam, thúc giục mọi khối óc Việt Nam phải làm cho Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh. Chính vì vậy, chúng tôi đề nghị các quý vị thông qua tên của Mặt trận mới là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam".
Với những lời đề nghị tâm huyết đó, Đại hội đã nhiệt liệt hoan nghênh và tán đồng.
Tài năng, đức độ, uy tín, nghệ thuật thuyết phục, cảm hóa của đồng chí Xuân Thủy không chỉ có sức lôi cuốn đối với những người cùng chiến tuyến mà còn đối với cả những quan chức cao cấp trong chính quyền cũ. Đây là một thuận lợi lớn để ông hoàn thành sứ mạng là người giương cao ngọn cờ đoàn kết, quy tụ các lực lượng có xu hướng chính trị khác nhau vào sự nghiệp chung là đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Lớp cán bộ Mặt trận lâu năm không thể nào quên vụ kỷ luật 2 đồng chí cán bộ cấp vụ do thiếu chu đáo đối với nhân sĩ, trí thức, tiêu biểu. Hồi đó, Tổ quốc mới thống nhất, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu cho các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội chiếm tỷ lệ khá cao trong Ủy ban Trung ương khóa I - khóa thống nhất các tổ chức Mặt trận. Đa phần các vị tuổi cao, sức yếu. Vì vậy, mỗi lần họp Ủy ban Trung ương là một lần đồng chí Xuân Thủy - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận lại nhắc nhở anh em chúng tôi phải có kế hoạch đón tiếp hết sức chu đáo, thái độ phải hết sức ân cần và trọng thị.
Hôm đó, có 2 đồng chí cấp vụ được lãnh đạo phân công cùng anh em ra sân bay đón Đoàn. Đồ đạc, hành lý của các cụ tuy không nặng nhưng hơi nhiều. Thông cảm với khó khăn, vất vả của anh chị em phục vụ, tuy nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tuổi cao, sức yếu, nhiều cụ cũng cố gắng "tay xách, nách mang". Trong khi đó, 2 đồng chí cấp vụ của cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận vẫn "tay đút túi quần, bình chân như vại".
Chuyện đó đến tai lãnh đạo, các đồng chí Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt rất giận và giao cho tổ chức bắt 2 đồng chí trên phải viết bản kiểm điểm. Nhân sự kiện trên, đồng chí Xuân Thủy và đồng chí Hoàng Quốc Việt có kể lại nhiều chuyện về chính sách của Đảng, của Bác Hồ và thái độ của cán bộ Mặt trận đối với người tiêu biểu, trong đó có câu chuyện liên quan đến đồng chí Xuân Thủy.
Do hoạt động cách mạng, đồng chí Xuân Thủy đã 2 lần bị bắt giam và tra tấn dã man ở địa phận cụ Vi Văn Định lúc đó đang là Tổng đốc. Cách mạng tháng Tám thành công, Chính phủ cách mạng lâm thời và Tổng bộ Việt Minh yêu cầu "xử lý" một số nhân vật, trong đó có Vi Văn Định.
Vì sự nghiệp cách mạng, vì nghĩa lớn và tư tưởng bao dung, nhân đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng ảnh hưởng và uy tín của mình để bảo lãnh xin Tổng bộ Việt Minh trọng dụng nhiều người, trong đó có cụ Vi Văn Định và giao trách nhiệm cho đồng chí Xuân Thủy lúc đó là Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Việt Minh có trách nhiệm phải chăm lo chu đáo cho Cụ và gia đình Cụ.
Sau này, khi miền Bắc được giải phóng, trong bữa tiệc mừng Chính phủ trở lại Thủ đô, đồng chí Xuân Thủy kể lại: Có mặt hầu như đông đủ các vị, các đồng chí thành viên của Tổng bộ Việt Minh, của Chính phủ cũ và Chính phủ đương nhiệm, Bác Hồ nhắc lại câu chuyện xưa - ngày mới giành được chính quyền:
“Lúc đó, Bác biết nhiều vị, nhiều đồng chí, nhiều chú trong đó có cả chú Xuân Thủy không đồng tình với đề nghị của Bác. Nhưng vì nể Bác, nên mọi người đành chấp nhận. Việc làm của Bác lúc đó xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. Trong lúc cách mạng vừa giành được thắng lợi, song vẫn ở thế "ngàn cân treo sợi tóc" mà định "xử lý" cụ Vi Văn Định - bố vợ của các giáo sư nổi tiếng Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, chú vợ của giáo sư Tôn Thất Tùng - những trí thức nổi tiếng của dân tộc ta, lãnh tụ của dân tộc Tày thời đó. Thử hỏi người thân và gia đình Cụ có đủ nghị lực, vượt qua đau thương để tiếp tục đi theo cách mạng không? Có đúng với chính sách Mặt trận là "thêm bạn, bớt thù, tăng cường đoàn kết" không? Và việc làm hồi đó đã mang lại kết quả. Hiện Cụ Vi Văn Định là Ủy viên Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là người lãnh đạo của Nhà nước ta”.
Sự ra đi đường đột của đồng chí Xuân Thủy làm cho bạn bè, đồng chí, đồng đội, trong nước, ngoài nước hết sức ngỡ ngàng. Hôm đó là ngày 18.6.1985.
2 giờ chiều hôm đó, đồng chí Xuân Thủy gọi 5 anh em cấp vụ chúng tôi: Mai Khang, Hoàng Thái, Hoàng Phong, Dương Việt Phương và tôi sang nhà để duyệt lại lần cuối các bài giảng cho lớp tập huấn cán bộ chủ chốt Mặt trận các tỉnh phía Nam. Đồng chí căn dặn chúng tôi phải hết sức thận trọng trong lời nói, cách hành xử khi thuyết giảng. Đúng 4 giờ 30 chiều kết thúc buổi làm việc. Đồng chí chúc anh em chúng tôi "ra quân" thắng lợi. Không ngờ đây lại là lần gặp gỡ cuối cùng của chúng tôi với Thủ trưởng.
Chiều đó, Hà Nội mưa to, nhiều đường úng ngập. Mãi 6 giờ, tôi mới về đến nhà và được điện phải lên ngay vì đồng chí Xuân Thủy đã "ra đi".
Đồng chí Xuân Thủy, tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 2.9.1912, tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1932, đồng chí bị đế quốc Pháp bắt nhiều lần và bị tù ở các nhà lao Phúc Yên, Hà Đông, Hà Nội, Sơn La và trại Bắc Mê; trong nhà tù đồng chí là một trong những người lãnh đạo kiên quyết đấu tranh chống chế độ nhà tù và vận động lính địch để gây cơ sở cách mạng (1938-1943). Năm 1941, đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.
Năm 1944, đồng chí ra tù, tiếp tục hoạt động, được phân công phụ trách báo Cứu quốc - Cơ quan Trung ương của Tổng bộ Việt Minh. Năm 1945, đồng chí tham gia chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, được cử làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, được bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ.
Năm 1948-1950, đồng chí là Ủy viên thường trực Thường vụ Tổng bộ Việt Minh; năm 1951-1963, là Trưởng Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt, sau đổi thành Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Năm 1955, đồng chí được bầu bổ sung là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II.
Tháng 7.1960, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí được bầu là Phó Chủ tịch Quốc hội. Từ tháng 6.1962 đến tháng 5.1963, đồng chí là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thán 9.1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 4.1963 - 4.1965, đồng chí giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tháng 4.1968 là Bộ trưởng của Chính phủ làm Trưởng đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam.
Năm 1968, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa III. Tháng 12.1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và được bầu vào Ban Bí thư cho đến năm 1982. Đồng chí trực tiếp làm Trưởng ban các Ban: Đối ngoại Trung ương Đảng, Ban Cán sự Đảng ngoài nước, Ban Hoạt động quốc tế của Trung ương Đảng, Ban Công tác miền Tây, Ban Dân vận và Mặt trận Trung ương.
Tháng 2.1974 - 7.1976, đồng chí là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; tháng 6.1975 - 7.1976, là Phó Chủ tịch Quốc hội khóa V; tháng 7.1976 - 7.1981, là Phó Chủ tịch Quốc hội kiêm Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VI.
Năm 1980, đồng chí là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Xô; Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Hội trưởng Hội những người viết báo Việt Nam và làm Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam. Tháng 7.1981, tại Kỳ họp Quốc hội khóa VII, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội. Tháng 7.1981 - 6.1982, đồng chí là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước.