Xem - Nghe - Đọc

Xuân Hoạch và xẩm

- Chủ Nhật, 10/03/2019, 08:27 - Chia sẻ
Cứ đêm thứ bảy hàng tuần, người ta lại gặp ông ở cái sân khấu vỉa hè chợ đêm Đồng Xuân - Hàng Đào. Nón mê, áo nâu, cặp kính đen của người khiếm thị, tay nhị, tay bầu, chân gõ trống, ông hát Xẩm giúp vui cho người đi chơi chợ đêm cùng với những Thanh Ngoan, Văn Ty, Hoàng Quế trong gánh “Xẩm Hà Nội” của ông bầu Thao Giang. Khi thì “Anh Khóa” não ruột, “Đón dâu về làng” tình tứ, lúc thì “Sướng khổ vì chồng” cười cợt, “Tiểu trừ tham nhũng” bừng bừng khí thế...

Ai cũng ngỡ đây là một ông Xẩm mù thứ thiệt, từng lang thang ở cái chợ nổi danh nhất Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ XX, mất hút đâu vài thập niên, nay đột nhiên trở lại. Không ai nghĩ người hát Xẩm này là một nghệ sĩ danh tiếng của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, người chế tác và diễn tấu bầu, nguyệt, đáy hàng đầu đất nước, người năm nào cũng xuất ngoại vài ba chuyến, được chào đón nồng nhiệt ở Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Anh, Pháp, Đức… Ông là NSND Xuân Hoạch.

1. Xuân Hoạch kể ông họ Nguyễn, sinh năm Thìn 1952 ở Đông Tân, Đông Hưng, Thái Bình, vùng quê lúa, quê chèo nổi tiếng xứ Đông. Làng ông rất tự hào có đội hát múa giá cờ, giá quạt đặc sắc. Các cụ ở đội múa này đã từng được biên đạo múa nổi tiếng Thuỷ Ea Sola mời đi Pháp, Bỉ, Italia diễn vở múa đương đại “Hạn hán và cơn mưa”. Cả gia đình ông hầu như ai cũng tham gia văn nghệ, tất nhiên chủ yếu là hát chèo, người hát, người đánh tam, nhị, thanh la. Riêng ông, trước khi được tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội) cũng từng là một diễn viên chèo nghiệp dư có tiếng ở quê. 

Xuân Hoạch vào trường nhạc từ năm 1966, khi mới 14 tuổi, học đàn nguyệt với thầy Xuân Khải, rồi tốt nghiệp về làm nhạc công đàn nguyệt, tam ở Đoàn Ca múa Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam). Chỉ sau hai năm, Xuân Hoạch đã thành nghệ sĩ độc tấu nguyệt của đoàn ca múa nhạc quốc gia này với các tác phẩm “Tình quân dân” của Xuân Khải và “Mùa sen nhớ Bác” của Trần Quý. Không dừng ở nguyệt, Xuân Hoạch học thêm đàn đáy, cây đàn “có một không hai” của ca trù Việt Nam như nhận định của GS.TS. Trần Văn Khê. Người dạy ông là nhạc sư Đinh Khắc Ban. Xuân Hoạch còn nhớ mãi kỷ niệm ông được chọn solo đàn đáy trong giao hưởng thơ “Rằm tháng Giêng” của nhạc sĩ Hoàng Đạm phổ thơ Bác Hồ, một tác phẩm âm nhạc đậm chất ca trù. Hồi ấy, trong Đoàn ca múa nhạc Trung ương có một dàn nhạc dân tộc được tổ chức theo biên chế dàn nhạc giao hưởng với hơn 40 nhạc cụ. Xuân Hoạch đã solo đàn đáy trên nền một dàn giao hưởng dân tộc như thế. Năm 1995, tại Liên hoan Nhạc cụ dân tộc toàn quốc, tiết mục độc tấu đàn đáy của Xuân Hoạch được tặng huy chương vàng và ông được coi là người “nối dõi” xứng đáng người thầy đàn đáy tuyệt diệu của mình. 

Rồi Xuân Hoạch lại tự học chơi đàn bầu và bây giờ sau gần mười lăm năm mê đắm “độc huyền cầm”, theo đánh giá của nhạc sĩ  Thao Giang, Xuân Hoạch là nghệ sĩ biểu diễn đàn bầu số 1 đất nước. Tiếng đàn đã hay, ngón đàn đã cao cường, Xuân Hoạch lại có thể vừa độc tấu bầu vừa tự đệm bộ gõ bằng cả hai chân, hai tay, một việc có thể nói là kỳ tài, khó ai làm nổi. Nhạc sĩ Thao Giang cho biết, trong một lần tham gia Liên hoan âm nhạc truyền thống châu Á tại Nhật Bản, tiết mục độc tấu bầu và tự đệm bộ gõ bài Bốp (nhạc tuồng) của Xuân Hoạch đã làm bạn bè thế giới kinh ngạc, thán phục khả năng siêu đẳng của một nhạc sĩ Việt. Không có gì lạ, khi tiết mục này của Xuân Hoạch giờ luôn là một cái “đinh” trong các chương trình xuất ngoại của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Hơn 15 năm nay, Xuân Hoạch lại đến với Xẩm, thứ âm nhạc được coi là của những người hát rong khiếm thị, những người dưới đáy xã hội, nơi đầu đường, góc chợ, bến tàu, sân ga, tưởng đã mãi chìm sâu vào quên lãng. Sau những chuyến đi biểu diễn cùng cụ Hà Thị Cầu, “người hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” như giới truyền thông vẫn gọi, ông chợt nhận ra thứ âm nhạc vô cùng mộc mạc, dân giã này lại có những khả năng vô cùng đặc biệt, có thể coi là một loại “thần nhạc” của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Và ông lại đắm mình vào Xẩm để khám phá cho được những bí ẩn huyền diệu của nó.

2. Nếu cụ Hà Thị Cầu được coi là “người hát Xẩm cuối cùng của thế kỷ XX” thì Xuân Hoạch cùng với Thanh Ngoan, Văn Ty, Đoàn Thanh Bình, Thuý Ngần sẽ được coi là “những người hát Xẩm đầu tiên của thế kỷ XXI”. Đó là những người đã tự nguyện tụ hợp lại trong một tổ chức có tên “Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam “,  thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam, một tổ chức hoàn toàn “tay không bắt giặc” do GS.TS. Minh Khang và nhạc sĩ Thao Giang sáng lập. Cái tên thì to tát thế nhưng trụ sở ban đầu của cơ quan này lại khiêm tốn lạ thường: Một căn phòng chưa tới 10m2 thuê của Viện Mỹ thuật trên đường Hào Nam, ngay trước Nhạc viện Hà Nội. Anh chị em vẫn gọi đùa đây là “chuồng cu của Thao Giang”. Ấy nhưng cái “chuồng cu” bé tí đó đã hội tụ được những con người chung một khát vọng lớn, rất lớn: tìm kiếm, phục hồi, quảng bá những giá trị tinh hoa, những hạt vàng của âm nhạc dân tộc đã bị mai một, lãng quên. Và họ bắt đầu từ Xẩm. Sau gần hai năm âm thầm lao vào các thư viện khai thác tư liệu, gặp gỡ trao đổi với các nhà nghiên cứu, nhiều lần xuôi ngược Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Tây (cũ) học hỏi các nghệ nhân, Trung tâm đã phối hợp với Nhà xuất bản Âm nhạc cho ra đời CD “Xẩm Hà Nội” vào cuối 2005. Chỉ với 7 tiết mục với những “Giăng sáng vườn chè”, “Lỡ bước sang ngang”, “Anh Khóa”, “Mục hạ vô nhân”... của các thi tài Nguyễn Khuyến, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Bính và các tác giả khuyết danh khác, trong đó thú vị nhất là các bài “Xẩm tàu điện” - “đặc sản Thủ đô”, Xuân Hoạch và những người bạn đã cho thấy sức quyến rũ khó cưỡng của Xẩm, một thứ hương vị âm nhạc thuần Việt, nôm na mà tinh tế, mộc mạc mà sâu lắng, chất phác lắm mà phiêu linh lắm, rất trần tục nhưng tuyệt vời trong trẻo, thứ âm nhạc rất tài tình trong việc tìm ra những con đường ngắn nhất để đi sâu vào các ngóc nghách xa khuất nhất của mọi tâm hồn Việt. Gánh “Xẩm Hà Nội” của Thao Giang, Xuân Hoạch, Thanh Ngoan, Văn Ty lập tức được đón nhận nồng nhiệt, mấy nghìn CD hết veo, VTV, VTC, Truyền hình Hà Nội làm ngay các chương trình giới thiệu, Festival Trà từ Lâm Đồng xa xôi cũng mời vào, Ban tổ chức chợ đêm Đồng Xuân - Hàng Đào mời diễn thường xuyên vào đêm thứ bảy hàng tuần. Trong gánh “Xẩm Hà Nội”, Xuân Hoạch là một ngôi sao rất được hâm mộ. Xem Xuân Hoạch hát Xẩm, chứng kiến Xuân Hoạch hướng dẫn Hoàng Quế, Kiều Loan từng cái luyến láy rất khó, rất “độc” làm nên cái “màu”, cái “nhụy” của Xẩm, tôi hiểu người kép đàn kỳ tài này đã thực sự “nhập thần” Xẩm, đã thành một kép Xẩm thượng thặng.

 “Âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhất là âm nhạc dân gian rất hay, rất đẹp, rất độc đáo, là một kho tàng vô tận. Nhưng tiếc thay, nó đã bị mai một, chìm khuất, rơi rụng quá nhiều trong thời gian. Phải ngược thời gian để tìm lại nó...”

3. Xuân Hoạch nói với tôi rằng, đã từ rất lâu, sau những chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài, nhất là ở những nước được coi là tân tiến nhất thế giới, ông đã ngộ ra một điều: Người làm âm nhạc Việt Nam phải làm cho được âm nhạc của đất nước mình, của dân tộc mình. Làm cho thật, cho hết mình, cho hay và nhất là đừng làm giả. Âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhất là âm nhạc dân gian rất hay, rất đẹp, rất độc đáo, là một kho tàng vô tận. Nhưng tiếc thay, nó đã bị mai một, chìm khuất, rơi rụng quá nhiều trong thời gian. Phải ngược thời gian để tìm lại nó. Xuân Hoạch đã gặp ở “chuồng cu” của Thao Giang những người bạn đồng chí hướng âm nhạc của mình. Không tài trợ, không ngân sách, chạy tiền mướt mồ hôi, nhiều khi phải bỏ tiền túi ra hoạt động, Xuân Hoạch, Văn Ty, Thanh Ngoan vẫn cùng Thao Giang hoạt động thật say mê, hết mình. Hết Xẩm, lại đến hát Ví, Trống quân, rồi hát Văn, Ca trù. Gần như tháng nào họ cũng tổ chức các chuyến điền dã về những vùng quê. Thao Giang khoe các anh vừa tìm được những điệu “Trống quân” rất lạ ở Dạ Trạch (Hưng Yên) và Xuân Hoạch, theo chỉ dẫn của các lão nghệ nhân, đã làm được một cây đàn Trống quân. Tháng sau, Xuân Hoạch lại mời xem cây đàn bầu mới anh vừa chế tác từ những gốc tre già. Anh đã tìm được bí quyết làm cho tiếng đàn bầu vang hơn và âm vực rộng hơn mà không cần tăng âm điện tử…

Gần chục năm nay, may mắn được các vị chức sắc Khu di tích đình đền Hào Nam ra tay cưu mang, Trung tâm Phát triển Nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam đã được an cư tại đây để hoạt động. Và tại khu tâm linh còn chất làng mạc Kẻ Chợ, khuất lấp, thấm đẫm hồn quê này, Thao Giang, Xuân Hoạch, Văn Ty và những người bạn đã liên tục mở các khóa đào tạo dân ca cổ nhạc, trong đó có cả khóa đào tạo trình độ đại học phối hợp với Nhạc viện Huế. Họ không chấp nhận một thứ âm nhạc dân tộc giả cầy “xác ta hồn tây” do các Nhạc viện chính quy đào tạo truyền bá, quyết âm thầm bền bỉ tìm lại và thực hành một thứ âm nhạc truyền thống Việt Nam thật tinh chất, thuần khiết để gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ sau, bất kể sự bàng quang, thờ ơ của thậm chí là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm...

Nguyễn Thế Khoa