Sổ tay:

Xuân an lành, không tiếng pháo

- Thứ Sáu, 22/01/2021, 07:14 - Chia sẻ
Thời gian gần đây, đã ghi nhận trường hợp học sinh, sinh viên tự chế pháo, sử dụng pháo. Đơn cử, tối ngày 8.1.2021, lực lượng công an tuần tra tại khu vực xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh phát hiện N.P.B.Q (SN 2006), P.Q.P (SN 2009) đi trên xe máy điện có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Q tàng trữ 29 quả pháo tự chế. Quá trình điều tra mở rộng, lực lượng công an phát hiện và thu giữ tại nhà N.M.Đ (SN 2005, thôn Hồng Hà, xã Tân Mỹ Hà, Hương Sơn) 5 quả pháo tự chế, 1,6kg nguyên liệu chế tạo pháo nổ, 101 vỏ pháo tự chế. Qua khai nhận ban đầu, số tang vật này được N.M.Đ tìm hiểu qua mạng, mua các tiền chất để chế tạo pháo nổ. 

 Nghiêm trọng hơn, tại Đắk Lắk đã xảy ra vụ học sinh lớp 7 bị cháy xém mặt do học chế tạo pháo từ clip trên mạng. Tương tự, tại Quảng Ninh cũng xảy ra vụ một số học sinh cấp 2 bị thương do tự chế pháo... Và, chỉ trong thời gian ngắn, đầu năm 2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện liên quan đến pháo; trong đó có nhiều người khi đang chế tạo pháo thì bất ngờ thuốc pháo phát nổ. Trường hợp bệnh nhân H.V.Đ (nam, 41 tuổi, ở Hải Phòng) nhập viện Hữu nghị Việt Đức trong tình trạng tay phải giập nát nhiều ngón, đầu chi xẹp tím lạnh... là một ví dụ trong rất nhiều nạn nhân do pháo.

Theo quy định, hành vi hướng dẫn, tổ chức hướng dẫn cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức bị nghiêm cấm. Theo Điểm e, Khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định: Người có hành vi hướng dẫn chế tạo pháo, sau đó đăng video lên mạng xã hội có thể bị xử lý hành chính 10 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, người tự chế tạo pháo nổ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt tối đa 15 năm tù, được quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự về tội sản xuất hàng cấm. Còn người đốt pháo nổ trái phép có thể bị xem xét xử lý hành chính hoặc hình sự về hành vi gây rối trật tự công cộng, với khung hình phạt gồm phạt tiền tối đa 50 triệu đồng hoặc phạt tù lên đến 7 năm.

Theo Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11.1.2021, người dân được sử dụng pháo hoa nhưng là loại pháo được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không có tiếng nổ, loại pháo hoa này tuyệt đối không có thuốc nổ, không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Còn loại pháo hoa nổ (trước đây gọi là pháo hoa), nay gọi là pháo hoa nổ hay pháo nổ thì dưới tác động của xung kích thích cơ nhiệt hoặc điện tạo ra tiếng rít, tiếng nổ và tạo hiệu ứng, ánh sáng màu sắc trong không gian. Loại này hoàn toàn bị nghiêm cấm sử dụng.

Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng được sử dụng pháp hoa. Nghị định 137/2020 quy định, người dân sử dụng pháo hoa phải “có đầy đủ năng lực hành vi dân sự” - là người từ đủ 18 tuổi trở lên, không bị bệnh tâm thần, không bị tòa án tuyên mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Bên cạnh đó, Nghị định 137/2020 quy định rõ, chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng mới được kinh doanh pháo hoa.

Quy định pháp luật đã rõ, tuy nhiên chuyện thương tích, thậm chí tử vong do pháo vẫn tiếp tục xảy ra và sẽ còn nóng lên khi rất nhiều người dân còn nhầm lẫn khi cho rằng, “Tết này sẽ được đốt pháo”! Từ thực tế này, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến pháo nổ thì cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Nghị định số 137/2020, nhất là đến với tầng lớp thanh niên, thiếu niên.

Phạm Hải