Xuân ấm bản làng Tây Nguyên

28/01/2023 06:32

Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Mùa xuân về với bản làng Tây Nguyên rộn ràng sắc hoa. Sau 2 mùa xuân ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xuân Quý Mão 2023 như rộn ràng hơn với người dân Tây Nguyên bởi cuộc sống sung túc, no ấm hơn khi mùa vụ bội thu, được giá. Xuân Quý Mão ngập sắc hồng, ấm áp hơn trong những ngôi nhà đại đoàn kết, những món quà sẻ chia vì cộng đồng, những cuộc đoàn tụ và cả những thanh âm rộn ràng của cồng chiêng vào mùa lễ hội.

Xuân ấm tình đại biểu – cử tri

Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 11km, xã Ea Kao đón chào chúng tôi bởi sắc hương ngào ngạt của hoa cà phê nở trắng nhấp nhô từng quảng đồi đất đỏ bazan. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Ea Kao đã huy động được hơn 261 tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp gần 120 tỷ đồng và tự nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động. Sau hơn 7 năm đạt chuẩn, Đảng bộ và Nhân dân xã đã, đang, nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đáng chú ý về hạ tầng, tỷ lệ đường ngõ, xóm được bê tông hóa đạt trên 91%; tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới và tiêu nước chủ động đạt 92,7%; tỷ lệ hộ đăng ký trực tiếp và được sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất bảo đảm an toàn, tin cậy và ổn định đã đạt 100%... Đời sống vật chất, tinh thần của bà con Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, số hộ giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm.

“Điều đặc biệt là nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng buôn, Trưởng thôn ngày càng được trẻ hóa, trình độ, năng lực và tâm huyết với nghiệp “vác tù và hàng tổng”, đại biểu HĐND bảo đảm về cơ cấu nhưng cũng không vì thế mà giảm sút chất lượng. Nhờ đó, mọi phong trào triển khai xuống như cỗ máy vận hành thông suốt” - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hồng Thái phấn khởi khoe.

Để mục sở thị, ông dẫn chúng tôi tới buôn H’Dơk - một trong 8 buôn gặp đại biểu dân cử mà ông nói “bảo đảm chất” khiến chúng tôi không khỏi tò mò. Đúng như đại diện lãnh đạo xã “khoe”, chúng tôi đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác từ giây phút ban đầu được tiếp xúc với H’Bic Buôn Jă. Nhanh nhẹn, quyết liệt, thông thạo tiếng Kinh, cởi mở và gần gũi - đó là cảm nhận đầu tiên sau cái bắt tay thật chặt của nữ đại biểu miền xuôi với nữ đại biểu Tây Nguyên. Không chỉ xinh đẹp, năng động, H’Bic còn rất thông minh, là đại biểu mới của nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhưng chị tiếp cận hoạt động của HĐND khá nhanh, tham gia tích cực hoạt động của Ban Kinh tế - Xã hội, đưa tiếng nói của đồng bào Êđê vào nghị trường.

Vừa là đại biểu lại là Buôn trưởng, để chuẩn bị cho bà con một cái Tết ấm no, lành mạnh, an toàn, ngay sau kỳ họp HĐND xã cuối năm, chị đã cùng với các đại biểu HĐND, cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an Nhân dân tuyên truyền, phổ biến nghị quyết gắn với các quy định của Chính phủ, của tỉnh, thành phố và xã về bảo đảm các hoạt động an ninh trật tự trước, trong và sau Tết cho bà con, bên cạnh tiếng phổ thông, H’Bic cũng tận dụng ngôn ngữ Êđê để phổ biến cho bà con đồng bào nắm rõ bởi vẫn còn khá nhiều người chưa hiểu tiếng Kinh. “Nhân Tết cổ truyền, nhờ sự quan tâm của cấp trên, buôn mình có 5 hộ có nhà đại đoàn kết đã hoàn thiện, nhiều suất quà ý nghĩa có giá trị đã được trao tặng cho bà con trong buôn, cử tri và Nhân dân rất phấn khởi, biết ơn Đảng, Nhà nước” - H’Bic chia sẻ.

Chia tay H’Bic, chúng tôi men theo Quốc lộ 14, thả hồn mình trong sắc hoa xuân ngút ngàn trên tuyến Quốc lộ êm mịn, sắc xuân hai bên đường như tranh vẽ cứ hiện ra với nhiều gam màu tươi sáng. Ngoài gam màu trắng của hoa cà phê bung nở thì sắc vàng của cúc, của dã quỳ cùng với ánh nắng vàng chanh heo heo lạnh đặc trưng Tây Nguyên khiến cho những ai lên Tây Nguyên vào đúng dịp Tết đến Xuân về cũng không khỏi ngỡ ngàng. Những vườn đào Nhật Tân, chủ yếu là đào thế, đào bích khoe sắc hồng rực rỡ trên nền đất đỏ bazan càng khiến bức tranh xuân Tây Nguyên thêm quyến rũ.

Tự tay chọn cho mình một cây đào bích, gốc bắc, H’Suýt - cô bạn thuở nhỏ đồng thời là người dẫn đường cho chúng tôi khoe: “Người Tây Nguyên Tết đến thường chưng cúc, nhưng mấy năm nay nhiều nhà chưng thêm mai, quất, đặc biệt khi giống đào Nhật Tân được trồng trên đất Buôn Hồ, Cư M’gar thì nhiều nhà cũng mua đào về chưng, nhất là những người Kinh phía bắc định cư ở đây, chưng đào để có hương vị quê nhà”. Đất bazan tốt lại hợp khí hậu, nên việc nhân giống đào Nhật Tân tại đây cũng khá dễ. Nhiều hộ dân ở thị xã Buôn Hồ chuyển sang nghề trồng đào thay vì trồng cà phê và đã có những kết quả bước đầu, lợi ích kinh tế cao hơn. Nhờ đó, đời sống bà con sung túc hơn, Tết ấm áp hơn.

Bình yên Đăk Glei

Rời Đắk Lắk sau khi chiêm ngưỡng bạt ngàn cánh đồng điện gió khổng lồ, hùng vĩ trải dài tít tắp từ Krông Buk sang Eah’Leo, qua Gia Lai, hơn 16 giờ  xe vượt đèo Lò Xo, ranh giới giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Lưng chừng đèo sương khói bao phủ, chưa hoàng hôn mà cảnh sắc đã xế chiều. Từng làn khói mờ sương vần vũ khiến cảnh sắc trở nên huyền ảo. Lưng chừng núi ai dựng một mái nhà, đào nguyên nở đỏ hồng, dòng thác trắng xóa như muốn xóa tan mây mờ...

Đón tiếp chúng tôi là A Biên - một chàng trai Xơ Đăng tuổi đời còn khá trẻ. Bà Y Lun - mẹ A Biên mời khách vào nhà. Cũng như các hộ gia đình trong làng, A Biên sắm một chậu cúc vàng ươm về chưng. Theo bà Y Lun, người Xơ Đăng có hai cái Tết quan trọng gắn bó với nhau đó là Tết cúng lúa mới và Lễ mừng năm mới. Tùy theo từng nhánh người Xơ Đăng mà tập tục có những nghi thức khác nhau nhưng tựu chung lại đều rất đặc sắc. Như nhóm Xơ Teng có tên gọi là Lễ hội On Rô Pơ Rông, hay còn gọi là Hội uống rượu mừng năm mới. Theo quan niệm của người Xơ Teng, Tết Nguyên đán là thời khắc linh thiêng nhất của năm mới. Lễ hội On Rô Pơ Rông là lễ hội quan trọng nhất trong năm của người Xơ Teng với mong muốn chào đón một năm mới tốt lành hơn, may mắn hơn.

Sáng mồng một Tết, mọi gia đình trong làng đều thổi cơm lam gạo nếp. Các gia đình quây quần bên bữa ăn đầu năm để chúc mừng năm mới. Sau thủ tục khấn Giàng, nam thanh nữ tú mặc rất đẹp, tụ họp đông đủ, đi chúc mừng sức khỏe tất cả các hộ gia đình trong làng. Tâm điểm của lễ hội là tại nhà rông, sau khi chúc Tết, mọi người tụ họp uống rượu, vừa nhảy múa xung quanh bếp lửa, vừa tung vãi cơm xôi, reo hò, đánh cồng chiêng, hát những bài hát dân ca, cầu mong mùa màng sẽ tốt tươi hơn, để cho lương thực sẽ thừa thãi, tha hồ vung vãi như hôm nay. Cuộc vui cứ thế kéo dài cho đến đêm mới kết thúc.

Rời đại ngàn Tây Nguyên, chúng tôi vẫn còn nghe rất rõ trong tiếng gió âm thanh trong trẻo mượt mà: Ai yêu tự do, yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn... Chợt tò mò về thế ngoại đào viên trên lưng chừng núi...  Bản anh hùng ca về anh hùng A Met lại hiện về. Xa xa Bản làng Xơ Đăng khói lam chiều tỏa hương thơm ngát, ngọt ngào trong lời ca: “Em ơi em ngủ cho ngoan. Ngoài rừng xa cha đang đi hái măng non. Ngủ ngoan hỡi em ơi. Nơi xa mẹ tìm được ngọn rau non. Đừng khóc nữa hỡi em ơi”. Tạm biệt nhé Đăk Glei, Đăk Tô, tạm biệt Lễ mừng năm mới với nhiều no ấm để đón chào một năm Quý Mão hứa hẹn Bình yên và Hạnh phúc!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xuân ấm bản làng Tây Nguyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO