Xử trí với hủ tục

Bảo An 28/02/2015 08:52

Hầu như tất cả các lễ hội ở nước ta đều bắt nguồn từ một tập tục nào đó. Tuy nhiên, nhiều phong tục truyền thống trong các lễ hội đang dần trở thành hủ tục do cách ứng xử của nhiều người.

Hủ tục là phong tục, tập quán đã lỗi thời, lạc hậu, làm cản trở tiến trình phát triển. Lâu nay, những hủ tục thường mang màu sắc mê tín đã trở thành vật cản, là gánh nặng truyền đời đối với các cộng đồng người. Phần lớn những gì được xem là hủ tục trong thời gian qua có liên quan đến lễ hội, việc thờ cúng rõ tính mê tín dị đoan, những nghi thức không còn phù hợp trong đời sống hiện đại. Những hủ tục, tập quán tưởng là lạc hậu, là xấu nhưng vẫn tồn tại, thậm chí là phát triển, bởi vì nó vẫn tìm được những liên hệ mới. Quan niệm, nhận thức về những tín ngưỡng đó vẫn tồn tại.

Tục đốt vàng mã là một ví dụ, xuất hiện từ rất lâu và ăn sâu vào tâm thức mỗi người. Với mong muốn chăm lo cho những người đã khuất có một cuộc sống sung túc ở cõi âm, hoặc mong được thứ lỗi, hay có được sự thanh thản trong tâm hồn, nên người người, nhà nhà đua nhau mua vàng mã. Nếu tính toán đến kinh tế thì hàng năm cả nước chúng ta tiêu tốn khoảng một nghìn tỷ đồng cho việc đốt vàng mã - số tiền này quả là lớn đối với điều kiện kinh tế nước ta hiện nay.

Xin xăm, xin thẻ đầu năm cũng vậy. Đây là nhu cầu tự nhiên của con người luôn muốn biết về tương lai của mình. Điều này không chỉ có trong văn hóa phương Đông mà nó có cả trong văn hóa phương Tây. Ngày lễ Tết rủ nhau đi xin xăm cũng là một cách tạo niềm vui. Nhưng nếu tin tưởng tuyệt đối vào xăm, thẻ, cho rằng khấn vái càng nhiều chùa càng tốt đã biến những phong tục này đang dần trở thành hủ tục. Việc quá phụ thuộc vào xăm, thẻ vô tình biến tập tục này trở thành mê tín dị đoan.

Như vậy, ranh giới giữa tập tục truyền thống và hủ tục đang dần trở nên mong manh. Xuất phát từ ý nghĩa ban đầu, những tập tục trên đều là những tập tục truyền thống hoặc những thói quen trong đời sống tâm linh của người dân. Nó sẽ có ý nghĩa tốt đẹp, có tính động viên con người khi được dừng ở mức giới hạn; khi chúng bị chi phối bởi kinh tế thì lúc đó chúng sẽ trở thành hủ tục.

Xử trí với những hủ tục, cần linh hoạt, mềm dẻo, giải quyết vấn đề ngay trong không gian xã hội đó, cộng đồng đó, chủ thể văn hóa đó. Nếu nhìn từ ngoài vào và áp đặt các biện pháp xử lý thì có lẽ sẽ không ổn. Bởi mỗi quan niệm, hành vi văn hóa đều ra đời trong phương thức xã hội nhất định, có giá trị đối với cộng đồng hoặc thể hiện quan niệm riêng của một phương thức xã hội nào đó. Cho nên, khi giải quyết vấn đề phong tục, tập quán không thể cứng nhắc cứ cấm, cứ phạt là được.

Đơn giản như những hình ảnh chém lợn, đâm trâu, nếu ở ngoài nhìn vào sẽ thấy đáng sợ thật, nhưng những người dân địa phương, những chủ thể văn hóa của các lễ hội này lại không thấy như thế. Trong khi đó, họ mới là người quyết định có nên bỏ hay không các lễ hội đó…

Hủ tục không phải là điều gì đó ở xa ta, là những gì xưa cũ, mà đang xuất hiện ngay trong thời chúng ta đang sống. Đó có thể là những trào lưu ảnh hưởng đến thói quen ứng xử của rất nhiều người, nhưng cũng có thể là thói quen không phù hợp hình thành và được chấp nhận trong một nhóm xã hội, suy cho cùng đều tạo ảnh hưởng không có lợi cho tiến trình phát triển. Với những thứ hủ tục ấy, chúng ta cần thuyết phục sao cho mọi người đều hiểu và bài trừ ra khỏi cuộc sống. Một khi những trào lưu, thói quen bị tẩy chay thì dần dần sẽ rơi vào quên lãng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xử trí với hủ tục
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO