Xử phạt nặng chưa đủ!

- Thứ Năm, 21/01/2021, 08:47 - Chia sẻ
Sau một thời gian đi vào cuộc sống, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã tạo hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài xử phạt nghiêm minh. Tuy vậy, nếu chỉ xử phạt nặng không thôi chưa đủ, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người tham gia giao thông nhận thức, chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông, bởi thực tế vẫn có hàng nghìn trường hợp vi phạm xảy ra.

Có thể thấy, Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực từ 1.1.2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với các văn bản trước đó. Đáng chú ý, nghị định này, tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Đơn cử, cùng một hành vi người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì Nghị định 46/2016/NĐ-CP chỉ quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Điều này góp phần tạo sự răn đe, lời cảnh báo có sức nặng đối với người có ý định vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Kết quả cho thấy, trong năm 2020, tai nạn giao thông đã giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua với số vụ giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20% và lần đầu tiên số người chết do tai nạn giao thông giảm xuống dưới 7.000 người. Có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của hệ thống chính trị thì việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông có vai trò quan trọng. Đặc biệt việc ban hành Nghị định 100/2019; trong đó, điều chỉnh toàn diện, nâng chế tài xử phạt các hành vi vi phạm có nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, tạo được sự chuyển biến rõ rệt về ý thức và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. 

Tuy vậy, qua báo cáo về công tác bảo đảm trật tự an toan giao thông trong năm qua cho thấy, mặc dù mức phạt của Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã đủ sức răn đe nhưng thực tế vẫn có hàng nghìn trường hợp vi phạm. Rõ ràng, đây là vấn đề thuộc về ý thức. Không ít người biết lái xe sau khi đã uống rượu, bia là phạm luật nhưng vẫn cố tình vi phạm, đó là vì chưa ý thức được nguy cơ mất an toàn giao thông đối với bản thân, cộng đồng và những hệ lụy cho chính gia đình họ nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông.

Do vậy, để khắc phục vấn đề này, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định trong xử lý vi phạm giao thông, cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức, văn hóa giao thông. Việc giáo dục ý thức, văn hóa giao thông phải được thực hiện liên tục, trong mọi môi trường, từ cơ quan, nơi ở, trường học cho đến nơi công cộng. Công tác tuyên truyền cần phải đa dạng, gần gũi, dễ tiếp thu, có các biện pháp đặc thù phù hợp với từng nhóm đối tượng. Chẳng hạn, đối với học sinh, sinh viên thì đẩy mạnh tuyên truyền trong nhà trường; cán bộ, công chức thì phải coi chấp hành luật giao thông là yếu tố đánh giá đạo đức, kỷ luật; với người lao động tự do hoặc kinh doanh buôn bán thì phải đẩy mạnh tuyên truyền ở khu phố, nơi ở, nơi kinh doanh… Làm được như vậy sẽ dần hình thành nếp người dân chấp hành luật một cách tự nguyện, tham gia giao thông một cách có văn hóa.

Hải Thanh